Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản chỉ đạo các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, TP tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội chịu tác động nặng nề từ Covid-19.
Theo người đứng đầu Chính phủ, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và gặp những khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Do đó, là một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn, nhiều ngành nghề ở nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn, nhất là công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương và bộ ngành thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Để triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các địa phương và bộ, ngành bám sát yêu cầu thực tiễn của từng ngành nghề, doanh nghiệp, địa bàn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên tinh thần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Trong đó, các đơn vị kiên quyết không để tình trạng còn rào cản, cơ chế, chính sách, quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn đối với hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt bằng, đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực và những vấn đề liên quan.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ, ngành được giao tập trung thúc đẩy tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường gần 100 triệu dân trong nước, thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại điện tử và khuyến khích kinh tế ban đêm.
Song song đó, hoạt động duy trì và phát triển các thị trường xuất khẩu cũng phải được chú trọng, đặc biệt cần có cơ chế, chính sách phù hợp về huy động vốn, tín dụng, tài chính, thuế, phí, thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, thuế, hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động. Các địa phương và bộ, ngành triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ được giao khẩn trương tổng hợp tình hình triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, để đưa ra thảo luận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với các địa phương vào cuối tháng 9.
Đặc biệt, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ mong muốn lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành sẽ chú trọng chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân và tăng cường công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.