“Những con rùa còn sống vùng vẫy trên một viên gạch, tôi lần đầu nhìn thấy chúng vào ngày 3/12/2021 trên đường về chung cư tôi sống gần cầu Đa Khoa (quận 7). Hơn một tháng qua, tôi đã thấy hình ảnh này phổ biến trên đường phố quận 7”, Alexandre Germouty (22 tuổi, người Pháp) thuật lại với Zing.
Cảm nhận đầu tiên của Germouty là ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng này. Anh khó hiểu vì cách người ta đặt con rùa trên một viên gạch để chúng không thể di chuyển và bị phơi dưới ánh mặt trời suốt.
“Ban đầu tôi hoàn toàn không biết con rùa được bán hay là vật nuôi của người ta. Tuy nhiên cách họ đối xử với nó thật tàn nhẫn. Sau đó, bạn bè người Việt đã giải thích cho tôi đây là một tình trạng bán lậu động vật”, Germouty cho biết.
Hình ảnh do Alexandre Germouty chụp từ xa. Người bán thỉnh thoảng đổ nước từ chai lên mai rùa. Ảnh: NVCC. |
Germouty và bạn anh đã nhìn thấy rùa ở vài đoạn trên đường Nguyễn Thị Thập và Huỳnh Tấn Phát. Theo ghi nhận của phóng viên, những người bán rùa không bán cố định cùng chỗ, mỗi ngày sẽ xuất hiện hoặc không và vào các khung giờ khác nhau.
Những con rùa đặt trên cục gạch không chỉ được bày bán trên vỉa hè quận 7 mà còn có tại nhiều tuyến đường quận 1, 3, 5, Bình Thạnh, TP Thủ Đức… Người bán rùa thường là một phụ nữ, nhưng khi có người dừng lại hỏi thì vài người đàn ông từ xung quanh sẽ xúm lại.
Alexandre Germouty đã đăng tải thắc mắc của anh trong nhóm cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM. Bài đăng nhận được sự quan tâm của nhiều người nước ngoài và người Việt với hơn 450 bình luận. Đa số họ đồng tình với Germouty, một số ý kiến khác cho rằng đó chỉ là một công việc mưu sinh và không nên can thiệp.
“Với tư cách là một người nước ngoài, tôi cố gắng tôn trọng văn hóa Việt Nam. Có thể rùa liên quan gì đó đến văn hóa của nước bạn, tuy nhiên tôi cảm thấy khó xử khi thấy cách người ta đối xử với con vật. Về chuyện con rùa trên vỉa hè, tôi tin điều này không liên quan gì đến văn hóa Việt Nam, những hành vi này xuất phát từ một số người làm vì tiền”, chàng sinh viên bày tỏ quan điểm.
Theo tìm hiểu của Germouty, buôn bán rùa trên đường phố có thể là hoạt động trái phép. Những con rùa có thể là giống quý hiếm cần được bảo vệ. Và việc bán động vật không giấy tờ là hình thức không hợp lệ về mặt kiểm dịch. Chàng trai Pháp đã phản ánh sự việc này với một tổ chức bảo vệ động vật hoang dã có tên gọi Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Education for Nature Vietnam - EVN).
“Thực sự tôi thấy rất buồn trước tình trạng này và mong có biện pháp nào đó để chấm dứt nó, đồng thời nâng cao nhận thức trong suy nghĩ của người Việt Nam. Nhất định trong tương lai kiểu hành nghề này sớm trở thành dĩ vãng”, chàng trai Pháp 22 tuổi nói ra suy nghĩ.
Các loài rùa cũng thường xuyên bị ghi nhận nuôi nhốt, buôn bán trái phép để làm cảnh hoặc phóng sinh tại các đình, chùa ở TP.HCM. Ảnh minh họa: Cục Hải quan Philippines. |
Cuối tháng 12/2021, một “trùm” chuyên cung cấp rùa để bán lẻ tại TP.HCM đã bị Công an tỉnh Tây Ninh bắt giữ. Tang vật gồm 122 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm như rùa hộp lưng đen, rùa đất lớn, rùa răng, rùa ba gờ và rùa núi vàng. Đối tượng này là đầu mối lớn chuyên cung cấp rùa cho những người bán dạo rùa trên vỉa hè trong thành phố.
Theo ENV, trong 9 tháng năm 2021, các cơ quan chức năng đã giải cứu và tịch thu 292 cá thể rùa từ các vụ việc vi phạm. Tổ chức này cho biết việc mua bán rùa để phóng sinh khi không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các cá thể rùa là hành vi vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hành vi săn bắt, buôn bán rùa trái phép.