Khi tôi nhận ra rằng văn học là một thế giới hoang tưởng của người viết thì không có nghĩa là tôi hạ thấp giá trị văn học. Tôi chỉ vạch ra khía cạnh vô bổ, vô nghĩa của văn học mà thôi. Tôi cũng đã cảnh tỉnh để người viết dè chừng khả năng bị tha hóa về mặt tinh thần, đạo đức khi cầm bút viết.
Văn học có khả năng thôi miên. Thôi miên bạn đọc, nó còn thôi miên chính người viết. Những bi kịch đầy rẫy trong cuộc đời các nhà văn chứng minh điều ấy. Tôi không muốn dẫn chứng bởi vì không phải ai cũng thông cảm được.
Khi phân tích về bản chất con người, Nietzsche rất có lý khi chỉ ra rằng cái khuynh hướng lười biếng, rụt rè, sợ sệt đã ngự trị tất cả. Chỉ có ít nhà văn thành công mới dám đương nhiên công nhận rằng bản thân họ cũng hèn hạ, nhăng nhố, đôi khi bợm bãi. Họ công nhận điều ấy không phải để cầu xin sự cảm thông của người đời. Những nhà văn ấy với lòng tự trọng và sự lịch lãm sẵn có, dám đứng ra trả giá cho những đam mê của mình, quá hiểu rằng con người làm sao có thể cảm thông cho nhau được? Ai cũng là người khác. Mỗi người là một hiện hữu, một vật thể, một linh hồn, một bản ngã, một duy nhất không lặp lại. Việc công nhận những khuyết tật của mình chỉ là một hình thức tự phê phán, tự trục độc, một lối phân thân u sầu nhằm cảm nhận hết nỗi nhục mà nhà văn phải trải qua, phải chịu đựng, đã thấy được.
Tôi có đọc ở đâu đó một giai thoại về Tú Xương. Chuyện rằng Tú Xương làm thơ, nhiều người quý mến, trong số ấy có Phan Bội Châu. Cụ Phan đến chơi, rủ Tú Xương lên Yên Thế gặp Hoàng Hoa Thám. Tú Xương nhận lời. Hai người đến Bắc Giang thì Tú Xương nghĩ lại, bỏ ra về. Sau đấy, hình như Phan Bội Châu không bao giờ gặp Tú Xương nữa. Chuyến đi Bắc Giang là chuyến đi xa nhất trong cuộc đời nhà thơ tuyệt vời của đất Nam Định. Sau này Tú Xương có làm bài thơ “Sông Lấp” phần nào nghĩ đến nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu:
“Sông kia rày đã nên đồng…
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò…”.
Giai thoại trên thực hư không biết nhưng thấp thoáng ở đấy bản tính con người nghệ sĩ Tú Xương. Ông hiện ra trước mắt tôi vừa đáng yêu, vừa thê thảm, vừa đau đớn lại vừa hài hước. Rõ ràng ở đây, với bản tính lười biếng, rụt rè, sợ sệt, sâu trong thâm tâm Tú Xương đã nhận ra nguy cơ vô vọng, vô nghĩa, nguy cơ thất bại trong cách cảm nhận và hành động của cụ Phan. Sau này chính Phan Bội Châu cho rằng cuộc đời của mình là “một trăm phần trăm thất bại”. Tôi không tin Tú Xương coi mọi “hành động cách mạng” sẽ chẳng có ý nghĩa gì so với một cuộc đời ả đào, nhưng biết chắc chắn Tú Xương yêu nước theo cách khác của riêng ông, nó cô đơn, cá nhân, âm thầm, thê lương, sang trọng và dung lược. Cụ Phan là nhân vật anh hùng của đám đông, của số nhiều. Ngọn cờ lý tưởng của cụ giương lên hình như không có chỗ đứng chân cho ai phóng đãng lại nhiều ràng buộc. Tú Xương rụt rè tránh sang bên cạnh, ngơ ngác nhìn, ánh mắt thành kính, băn khoăn tự hỏi không hiểu mình xử như vậy có đúng lẽ đời hay không? Dĩ nhiên sau đó, với thói vô tâm nông nổi thường trực, Tú Xương sẽ quên phắt chuyện ấy như bao chuyện khác.
Bài viết in trong sách Tướng về hưu & những truyện khác. Ảnh: NXB Trẻ. |
Tôi rất sợ cách quan niệm thô sơ về nhân cách nhà văn, đánh đồng nhân cách với đạo đức và “phép nước”. Ta không thể coi nhân cách Tú Xương tầm thường được dù ông nói thẳng:
“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta…”.
Dĩ nhiên không ai cho rằng bản tính lười biếng, rụt rè, sợ sệt là hay ho ở con người. Tuy nhiên những bản tính ngược lại với nó như hăng hái, phiêu lưu, cố gắng biểu hiện điều gì đó thật ra cũng đáng ghê tởm, càng ghê tởm hơn khi nó được nguỵ trang bằng một vài lý tưởng mù mờ.
Trong văn học, thế giới hoang tưởng nhà văn dựng nên có thể như thực, giống thực, khác thực, siêu thực, vân vân chẳng ai giống ai, mỗi người một cách nhưng tựu trung có lẽ không ra ngoài cái mà Goethe gọi là “nghệ thuật trình diễn kịch”. Điều ấy thật khó chịu nhưng biết làm sao. Ở đây cần hiểu “nghệ thuật trình diễn kịch” bao gồm toàn bộ: cả tác phẩm, cả tác giả lẫn hoàn cảnh thời đại tạo nên những thứ ấy.
Ta biết rằng thiên nhiên và tạo hóa cũng có một thứ “nghệ thuật trình diễn kịch”, điều mà ta vẫn gọi là “hiện thực” thứ hiện thực dai dẳng xen cả có lý lẫn vô lý, nhìn chung là tàn nhẫn vô thủy vô chung. Vậy ta nên quan niệm về hiện thực ra sao trong cái thế giới hoang tưởng mà nhà văn dựng lên, “sáng tác”? Tôi cho rằng cái “nghệ thuật trình diễn kịch” mà nhà văn quan niệm có vẻ như sự mô phỏng lại thiên nhiên và tạo hóa để người ta chịu nói “chơi được”. Thứ “nghệ thuật trình diễn kịch” của thiên nhiên và tạo hóa có phạm vi rộng lớn quá, với mục đích vô vọng quá, người ta không tải hết, không sao chơi được, không kham nổi, buộc phải chịu thua. Ở đây, về mặt nào đấy, ta có thể ví văn học với nghệ thuật chơi cây cảnh, với nghệ thuật bon-sai, một kiểu chơi “thế” nào đấy nhằm nhại lại thiên nhiên và tạo hóa. Song, so sánh như thế chỉ là một mặt nào đấy của hình thức mà thôi, nó không có ý nghĩa gì lớn. Văn học thật sự phức tạp hơn nhiều, nhất là khi nó đụng đến những vấn đề của thượng tầng kiến trúc.
Cũng cần lưu ý thêm, bản thân nhà văn cũng buộc phải tham gia trình diễn vở kịch của thời đại mình.
Tìm hiểu văn học sử, chúng ta thấy đa số nhà văn đều mang nỗi đau đời. Nét ưu tư hiện rõ trên đôi mắt và gương mặt các nhà văn là dấu vết của những trận đòn mà số phận giáng lên họ. Cảm nhận cái đau của thứ “nghệ thuật trình diễn kịch” mà thiên nhiên và tạo hóa bịa đặt nên, nhà văn có ý định điều chỉnh gì đó cho vừa tầm “chơi” của con người chăng? Tôi không biết. Nhà văn viết bởi một sự định hướng mù mờ nào đó từ tâm thức và đạt được nó khi đã thỏa mãn tinh thần. Văn học cũng có vẻ na ná như một cuộc chơi tinh thần, một sự tiến tới độ cực khoái tinh thần. Tuy nhiên, nó cũng có vẻ na ná như một bài học luân lý, một bài học nhận thức gì đó.
Thế nào là thứ văn học có giá trị?
Xét về điều này, có lẽ cần phải gác “văn bản” sang một bên mà ta hãy tìm thẳng tới tác giả, sau đó hình dung “tưởng tượng” về hắn qua thấu kính “văn bản”. Có câu nói vui rằng: “Các cô gái tốt thì tìm đọc những cuốn sách hay, còn các bậc nữ thánh thì tìm cách ngủ với tác giả của nó”. Ta hãy theo dấu chân các bậc thánh nữ và nghiền ngẫm theo cách của ta.
Lê Quý Đôn cho rằng: “… Văn học không phải là trò chơi, là câu chuyện phiếm. Muốn văn hay phải hiểu biết và từng trải nhiều. Văn chương chữ nghĩa không phải là lời nói suông. Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có núi sông kỳ lạ của thiên hạ thì không thể làm văn được”. Trong lời nói ấy của Lê Quý Đôn, mặc nhiên nhà văn đã được đặt vào vị trí “trí thức”, thậm chí phải là người trí thức nhất trong cộng đồng.
Sự hiểu biết thấu các lẽ đời là yêu cầu số một của các nhà văn. Anh ta buộc phải học hành tử tế và tìm cách trang bị cho mình càng nhiều tri thức càng tốt. Trong các tri thức ấy thì việc làm chủ ngôn ngữ, việc nắm bắt chắc ngôn từ là yếu tố hàng đầu. Không phải tự dưng mà các nhà văn lớn đều khuyên chúng ta biết học ở tục ngữ, ca dao, dân ca bởi đây thực sự là một kho tàng kinh nghiệm đời sống và kinh nghiệm tu từ.
Cũng phải nói thêm hình như cách học hành của các nhà văn cũng từa tựa cách đào tạo các nhà chính trị. Tôi không dám coi các nhà chính trị là các nhà văn không thành đạt hoặc các nhà văn là các nhà chính trị không thành đạt. Tôi chỉ lưu ý rằng các nhà chính trị và các nhà văn đều đã luyện tập chung một kiểu tư duy, một thứ vũ khí. Điều ấy gây hiểu lầm và bất lợi cho nhà văn vô cùng. Cần thấy rằng thứ văn hóa tinh thần do nhà văn gây ra chỉ có lợi cho nhà chính trị mà thôi. Đây là tôi muốn nói đến những nhà chính trị thực sự. Nó góp phần thúc đẩy lịch sử và sự tiến bộ trí tuệ, điều ấy nhà chính trị không thể dùng quyền lực tạo ra hoặc dùng tiền mua được. Văn chương cũng là con người. Văn chương quân tử, cũng như người quân tử là thứ mà Vân Trung Tử cho rằng chỉ “mời được nhưng không dụ được, bỏ được nhưng không khinh được”. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn xuất sắc đều có chung đặc điểm là họ nhạy cảm khủng khiếp với sự nhục mạ nhân phẩm. Đấy cũng là một phẩm chất thánh nhân. Về các thánh nhân, đoạn sau sẽ đề cập đến.
Trở lại giai thoại về Tú Xương và Phan Bội Châu, tôi ngỡ rằng trong cuộc đời các nhà văn, ở một khúc quanh nào đấy đều có một “cụ Phan” đứng lấp ló, rủ rê theo một “lý tưởng cộng đồng” mà ở đấy người ta đánh nhau thật chứ không chú ý nhiều lắm đến việc trau dồi văn chương chữ nghĩa. Ai ai cũng là người khác. Nhà văn cần hiểu rõ điều ấy để tỉnh ngộ. Văn chương khác với chính trị. Nó cứu cuộc đời theo cách riêng của nó.
Tôi rất ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu phê bình văn học tìm hiểu về các nhà văn lớn đều coi việc họ tự mâu thuẫn là việc kinh khủng lạ lùng. Điều này có vẻ phi lý vì các nhà nghiên cứu phê bình văn học thâm tâm đều muốn mỗi nhà văn là một “mặt bằng”, là một con vật không cựa quậy để họ dễ thọc dao. Nếu ta coi các nhà văn là những con nhộng hoàn toàn không có vỏ bọc, không có áo giáp che chắn thì ta mới thông cảm được hết việc tự mâu thuẫn trong họ, thì ta mới thông cảm tình cảnh đáng thương trong việc họ buộc phải tự mâu thuẫn ấy. Thiên nhiên đã phú cho nhà văn khả năng nhạy cảm quá mức, đôi khi quá quắt thì thiên nhiên cũng tước của hắn mọi sức đề kháng rồi.
Khi Nietzsche phân tích về bản chất con người, ông đã thật sự dũng cảm, thật bác ái khi chỉ cho chúng ta rằng thực chất tình trạng sống của chúng ta vẫn là súc vật, chỉ là súc vật. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận hết sự nhục nhã và đau đớn trước tình trạng súc vật ấy, chúng ta mới có cơ may vươn lên thành người. Công việc của nhà văn phần nào giống công việc của các bậc thánh tức là sản xuất ra những người cao thượng, những tình cảm cao thượng. Đấy là lý tưởng cao cả của người cầm bút. Văn học có giá trị là thứ văn học có khả năng sản xuất ra những người cao thượng và những tình cảm cao thượng. Tóm lại nó là văn hóa. Một mặt khác, văn học còn là thước đo trình độ trí tuệ, trình độ học vấn của giới trí thức trong thời đại đó. Một tác phẩm văn học gây nên một sự “khó hiểu” nào đó không có nghĩa là không giải thích được mà là “chưa giải thích được”. Ta hãy nhớ rằng khi A.Einstein đưa ra thuyết tương đối thì hầu như chẳng ai hiểu cả. Điều ấy cũng từng xảy ra với “hình học phi Euclide” của Lobachevsky. Trong văn học, người ta cũng từng rẻ rúng Stendhal và Albert Camus. Trong thời chúng ta, ở Việt Nam, người ta đã từng đánh giá thấp Vũ Trọng Phụng.
Tôi không nghĩ rằng mục đích cuộc sống của các nhà văn là tiến tới thành bậc thánh nhân. Đa số đều ưa một khuôn mẫu trưởng giả mang tinh thần philistine* . Đấy là một môi trường hết sức an toàn, không phải cố gắng gì lớn, chẳng phải chuẩn bị gì, chẳng phải tốn công “tổ chức”… Điều thiện bao giờ cũng phải được chuẩn bị và tổ chức công phu. Đấy cũng là một điều cay đắng trong thời đại văn minh hiện đại. Chỉ có điều ác mới hồn nhiên và dễ dàng “như thò tay vào túi lấy đồ vật”.
Luôn luôn có những trở ngại trong việc hóa thánh mà trong đó nhà văn là một sức ì, môi trường xã hội dung tục cũng lại là một sức ì khác. Câu nói nổi tiếng được nhiều kẻ thích thú: “Những gì của con người đều không xa lạ với tôi” có hai mặt thò lò của nó, xét cho kỹ cũng cực kỳ ghê tởm. Đấy cũng là một lối nói biện minh nhằm tránh sự lố bịch, một thứ dầu nhờn bôi trơn cho trò chơi xấu.
Cô đơn, cô đơn, cô đơn hơn nữa - đấy là lối mòn bậc thánh nhân. Họ tách mình ra theo đuổi lý tưởng vô vọng của họ, không màng đến sự thông cảm hay không thông cảm. Bao giờ họ cũng tiến về phía trước.
Hình như đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở bậc thánh nhân là tính ưa nhàn. Khả năng thu mình, hạn chế biểu hiện của họ trái ngược với “tinh thần hăng say” của kẻ phàm tục. “Nhàn” - ở đây chứa ẩn một nỗi đau đời sâu sắc và ở đấy cũng nén thầm một tiếng thở dài về sự vô nghĩa của dòng luân thế. Thời gian chẳng thương ai cả, đấy là chân lý.
Lối mòn cô đơn của bậc thánh nhân có phần hào hứng của một lối sống giang hồ. “Giang hồ sót lại mình tôi” - câu thơ của Nguyễn Bính xưa cay cú với bạn văn đương thời đã thoát hiểm về được môi trường an toàn trong cảnh sống trưởng giả và tinh thần philistine chăng? Không biết. Nhưng giang hồ cũng là một ước mơ thầm kín của biết bao người viết. Họ ghê tởm thứ trật tự cổ truyền, khao khát tự do, dầu biết rằng trước sau cũng chẳng thể nào thoát khỏi “thiên la địa võng”.
[...]
Đám đông vẫn thắng cá nhân bởi sự an toàn của đám đông cần thiết hơn vạn lần sự tiến bộ của một trí tuệ. Đấy là bi kịch chung của các “cá nhân trí thức”.
Nhà văn là gì? Chẳng là gì cả. Nó chỉ là một linh hồn nhỏ đầy lỗi lầm và luôn tìm cách sám hối vượt khỏi những lỗi lầm ấy. Nó là con vật nhạy cảm hết sức đáng thương với các thói xấu của cả bầy đoàn. Nó viết không phải vì nó, nó viết để cả bầy đoàn rút ra từ đấy một lợi ích công cộng, một lợi ích văn hóa.
Chúng ta đã quá “tự tin”, vô thần khi coi nhẹ mặt tâm linh trong đời sống con người. Điều ấy thật khủng khiếp: ô trọc và vô văn hóa sẽ ngự trị khắp nơi.
Từ thâm tâm tôi vẫn nghĩ là có các bậc thánh nhân. Trong những con người bình thường cũng có những tình cảm thánh nhân. Hình như nhà văn chỉ có thể khẳng định được mình khi anh ta trở nên chí thánh? [...]
Văn học có nhiều con đường, nhiều con đường dẫn tới văn học. Tất cả vẫn còn đang đi trên đường.