Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mang tí tẹo danh mọn, nghề viết thật khắc nghiệt

Nghề văn là nghề buồn nản và cô độc. Nhưng nếu chỉ có thế thì chẳng còn ai dám viết. Niềm vui của nghề thường đến chậm, đa phần thường đến từ sự cộng cảm trong trắng ở người đọc.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà.

Cũng đã lâu lắm rồi tôi không đọc lại Cơ hội của chúa. Những cuốn sách tử tế thường được người ta nhớ và thường được người ta đọc lại. Tôi cũng không thể nhớ bắt đầu viết nó vào khoảng thời gian nào. Chỉ mang máng đó là đoạn thời gian mình còn rất nhiều hồn nhiên đẫm đầy trong trắng. Tôi viết chậm, ngắc ngứ mãi không xong, nhìn mấy tập giấy năm hào hai lộn xộn chữ xấu thì thấy nản, quyết định dừng ở đó.

Có lẽ để cho xong một việc, tôi cầm xấp bản thảo tới một cửa hàng nhỏ sát Nhà thờ Lớn, nhờ đánh máy. Ông cụ gõ ronéo, phảng phất phong độ của một thầy giáo già về hưu, nét mặt trầm buồn giống con phố nơi tôi sống, lật vài trang đầu hẹn sang tuần đến lấy. Đúng hẹn tôi lảo đảo tới, buổi trưa đã uống say khướt, lúc đó tôi đang chán nản vì một chuyện tình.

Trời oi nóng, thấy ông cụ mặc áo sơ mi dài tay ngồi trước tập giấy pơ-luya được đóng gọn gàng có bìa có gáy, để cạnh những trang chữ xộc xệch của tôi. Ông cụ pha trà mời. “Hóa ra là cậu viết văn, cậu viết sai chính tả nhiều lắm nhưng cậu kể chuyện thì hay. Cậu cố viết nốt đi, đừng để phí nó”. Ông cụ chính là độc giả đầu tiên của cuốn tiểu thuyết đầu tay này. Đã gần ba chục năm rồi, xin Đức Mẹ lòng lành che chở cho cụ.

Rồi Cơ hội của Chúa được in ở nhà xuất bản Văn Học, nhờ sự nồng nhiệt cũng từ một người đọc. Anh dạy toán đại học, nhưng chắc chắn yêu văn chương chân thành hơn tôi. Anh đọc tập bản thảo trong một đêm, sáng hôm sau mắt mọng đỏ tìm tôi nói là sẽ bằng mọi giá để nó thành ấn bản. Cuốn tiểu thuyết ra đời ầm ĩ, chê nhiều hơn khen, đem lại cho tôi vô số tục lụy. Nản tới mức, bản thảo dở dang cuốn thứ hai vứt vào một xó, tự hứa là chẳng bao giờ ngó lại.

Nguyen Viet Ha anh 1

Sách Cơ hội của Chúa. Ảnh: NXB Trẻ.

Rồi một sáng phiền muộn nửa mưa nửa nắng, một tờ báo nhờ tôi giữ mục tạp văn có chuyển cho tôi một phong bì. Nó lèn chặt hơn hai mươi tờ giấy học sinh, chữ học trò. Cậu bé sinh viên năm giữa của một trường đại học phía Nam, viết kỹ về Hoàng-Tâm-Nhã-Thủy, những dòng xanh non nguệch ngoạc mặn chát như nước mắt. Có lẽ một phần nhờ nó mà cuốn Khải huyền muộn được trọn vẹn xong.

Ở chương kết của cuốn tiểu thuyết thứ hai này, tôi có viết: “Là nhà văn thì phải viết cho dù nổi tiếng hay không nổi tiếng. Nhưng có tí tẹo danh mọn thì thật khắc nghiệt, cảm thấy khó viết hơn. Hoàn toàn không phải là hết vốn sống hay cạn kiến thức. Có nhiều lý do dung tục lắm. Thường thì cả đời một người viết, luôn luôn bị bôi. Người này bôi cho tí son, người kia bôi cho tí mực. Cũng có người do phúc phận kém, hầu như toàn bị bôi bẩn. Văn chương với họ chỉ là một chuỗi điếm nhục, chỉ còn đôi chút lấp lánh trong trắng từ xa xa độc giả”.

Nghề văn vốn dĩ là nghề buồn nản và cô độc. Nhưng nếu chỉ có thế thì chẳng còn ai dám viết. Niềm vui của nghề thường đến chậm, và đa phần thường đến từ sự cộng cảm trong trắng ở người đọc. Và cho dù chỉ đôi chút lấp lánh, nhưng nó bao giờ cũng mang khuôn mặt của hạnh phúc.

Bất hạnh thay cho những nhà văn không có độc giả.

Nguyễn Việt Hà / NXB Trẻ

SÁCH HAY