Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự không hoàn hảo của văn học

Viết là tìm thấy hay đánh mất? Đó là câu hỏi luôn luôn vang lên trong tâm trí tôi kể từ sau khi tác phẩm đầu tiên của mình ra đời.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương. Ảnh: Y.N.

Viết là tìm thấy hay đánh mất? Đó là câu hỏi luôn luôn vang lên trong tâm trí tôi kể từ sau khi tác phẩm đầu tiên của mình ra đời. Có lúc tôi nghĩ là tìm thấy, nhưng không ít lần tôi lại cho rằng viết là đánh mất. Thật khó biết chính xác khi viết mình tìm thấy gì và đánh mất gì. Nhưng điều rõ nhất là tôi có một thế giới ăm ắp trong tâm trí tôi, thế giới ấy kết tạo bởi đời sống và trí tưởng tượng. Thế giới ấy biến hóa sinh động và luôn luôn hỗn độn.

Khi tôi viết ra, là đã tiết lộ với mọi người cái thế giới thầm kín kia, cũng đồng nghĩa vừa tìm thấy vừa đánh mất. Tôi tìm thấy một khoảnh khắc, cố định được nó, nhưng đánh mất những sinh trưởng của chính cái được cố định. Tôi có nhiều phương án cho cuộc đời của các nhân vật, có rất nhiều, nhưng khi viết ra tôi chỉ chọn một và tôi đã đánh mất đi sự biến hóa, sự phong phú của các nhân vật ấy, tôi đánh mất những phương án mà có thể lúc nào đó sẽ là tối ưu chứ không phải phương án đã viết ra.

Cầm cuốn tiểu thuyết đầu tay, cảm giác của tôi là tiếc nuối vì vừa hao khuyết một thế giới hỗn độn nguyên sơ trong tâm trí mình và đó là lúc câu hỏi hoài nghi vang lên trong tôi. Tôi nhận ra mình tìm thấy sự mạch lạc trong mớ hỗn mang, nhưng tôi cũng đồng thời đánh mất một thế giới bát nháo, sống động của những cảm tính. Tìm thấy và đánh mất đan xen quấn quýt nhau như thế, như những mảng đậm nhạt vờn đuổi trên Mặt Trăng. Nhưng dù sao thì tôi đã tìm thấy những độc giả đầu tiên của mình và một phần trong số đó đi cùng tôi tới tận bây giờ. Tôi tìm thấy lòng can đảm vì đã trình ra một thế giới lâu nay ủ kín trong tâm trí, dù thế giới đó không hẳn đã hoàn hảo vì không hẳn đã chính xác với thế giới trong tâm trí tôi. Nhà văn nào cũng mong muốn đạt tới sự hoàn hảo, mà sự hoàn hảo chỉ đến khi người ta ngừng viết. Khi nhà văn nằm xuống đồi núi mới trồi lên.

Nguyen Binh Phuong anh 1

Bài viết "Sự không hoàn hảo của văn học" in trong cuốn Người đi vắng. Ảnh: NXB Trẻ.

Văn học không lành mạnh thẳng thớm như thể thao, nó là thứ khiến người ta ngước lên chỉ sau khi đã cúi xuống nhìn sâu vào chính bản thân mình. Tôi nghĩ, về cơ bản có hai loại người, một loại cúi nhìn trái tim mình và một loại cúi nhìn hạ bộ mình. Và tôi không xác quyết loại nào tốt, loại nào xấu, loại nào cần lên án hay loại nào cần tụng ca.

Thiên chức nhà văn, nếu có, là chỉ ra rằng trong trái tim có bóng dáng của hạ bộ, và ngược lại. Đấy là lúc nhà văn tìm thấy tiếng nói của mình và đấy cũng chính là chỗ hiểm nguy nhất của nghề viết, hiểm nguy nhưng không thể khước từ nếu anh thực sự là nhà văn.

Nhà văn tìm thấy sự trong sáng ở phần đen tối nhất, tìm thấy hòn đảo lạc quan giữa trùng trùng những lớp sóng bế tắc. Như thế, tức là anh ta đánh mất đi con người lí tưởng, theo mẫu số chung của đám đông, và bù lại, anh ta tìm thấy con người theo đúng nghĩa của nó, con người như một sự hỗn độn bát nháo nhưng không thể phủ định rằng rất thơ ngây.

[...] Nhà văn là một tế bào của xã hội và anh ta chứa đủ những gì mà cơ thể xã hội đang mang. Xã hội tràn lan dấu ấn tâm thần thì nhà văn cũng chẳng tránh khỏi, những gì anh ta viết ra cũng chẳng tránh khỏi. Hành vi tâm thần luôn là những hành vi hồn nhiên nhất vì thế mà nó cũng là tự do nhất. Con người càng hồn nhiên thì càng tự do, càng tự do thì càng tiến sâu vào huyền ảo. Đó là lộ trình tôi tin tưởng. Trong thế giới huyền ảo tôi được các nhân vật rỉ tai rằng cần thận trọng với lòng tốt của người chưa bao giờ xấu xa, rằng rốt cuộc lí tưởng vẫn là thứ cần thiết cho một đời người, rằng huyền ảo là chốn bình đẳng tuyệt vời nhất. Tôi tìm thấy nhiều điều ngay với nhân vật của mình, nhưng tôi đã đánh mất tính nhân ái phổ thông mà thế hệ nhà văn trước gieo vào tôi, thông qua các nhân vật lí tưởng hóa của họ. Tôi tìm thấy mặt đất cho nhân vật và đánh mất bầu trời của họ.

Viết là tìm thấy và viết cũng là đánh mất.

Nguyễn Bình Phương / NXB Trẻ

SÁCH HAY