Trên mạng xã hội và các quán trà tại Pakistan, lời đề nghị “chỉ uống từ một đến hai cốc trà mỗi ngày” của Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Ahsan Iqbal hôm 15/6 đã kích động sự giận dữ của người dân, South China Morning Post đưa tin. Thậm chí, Bộ trưởng Iqbal còn phải đối mặt với hàng loạt lời kêu gọi từ chức.
Theo đó, ông Iqbal tuyên bố rằng việc uống ít trà hơn sẽ giúp đất nước giảm gánh nặng tài chính trong bối cảnh lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá.
Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Ahsan Iqbal. Ảnh: AFP. |
Pakistan là quốc gia nhập khẩu trà lớn nhất trên thế giới với hơn 515 triệu USD thanh toán cho các nhà xuất khẩu nước ngoài mỗi năm. Cách thức pha chế trà của người Pakistan rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất là ủ trà trong nước sôi và pha cùng sữa đặc.
Uống trà là thói quen hàng ngày của người Pakistan, do vậy, tuyên bố trên của ông Iqbal đang hứng chịu những phản ứng tiêu cực từ người dân, đồng thời làm suy giảm lòng tin vào việc chính phủ đương nhiệm có thể vực dậy nền kinh tế.
Giảm ăn roti, giờ lại hạn chế uống trà
Vợ cũ của cựu Thủ tướng Imran Khan, bà Reham Khan đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter: “Chúng ta phải hạn chế uống trà giống như trước đây phải giảm một nửa lượng roti (một loại bánh mì dẹt trong bữa ăn của người Pakistan), đúng không? Đừng đùa giỡn khi liên quan đến trà, thưa các ngài!”.
Jan Muhammad, 45 tuổi, một tài xế xe tải, cho biết anh ta uống từ 15 đến 20 cốc mỗi ngày. “Tôi bắt buộc phải uống 20 cốc trà, nếu không khi lái xe tôi sẽ không thể tỉnh táo và có nguy cơ xảy ra tai nạn”, anh Muhammad nhấn mạnh.
Trà ở Pakistan thường được bán với giá khoảng 0,2 USD/cốc tại các quầy hàng trên khắp đất nước. Đối với người dân, việc cắt giảm lượng trà tiêu thụ sẽ không có nhiều tác dụng trong đối phó với những khó khăn của nền kinh tế. “Chi tiêu của chính phủ đã tăng. Họ đi trên những chiếc xe lớn, sang trọng trong khi chúng tôi chỉ thưởng thức trà”, tài xế Muhammad phàn nàn.
Trà được chuẩn bị phục vụ khách hàng tại một nhà hàng ở Islamabad hôm 15/6. Ảnh: AFP. |
Tại một quầy trà ở chợ Aabpara của thủ đô Islamabad, thợ làm bánh Muhammad Ibrahim cho biết anh uống 12 cốc/ngày. “Tôi uống ba, bốn cốc vào buổi sáng, sau đó là ba cốc vào buổi chiều và tương tự như vậy vào đêm muộn”, anh nói. “Tôi thực sự không thể sống thiếu trà”.
Cũng tại một quán trà, giáo sư đại học Tanveer Iqbal cùng bốn đứa con của mình đang nhấm nháp những tách trà sữa nóng hổi. Ông cũng đặt ra câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta sẽ giảm việc sử dụng trà khi đây là thức uống chính trong tất cả các cuộc họp chính thức?”.
Niềm tin vào chính phủ cạn dần theo cốc trà
Thủ tướng Shahbaz Sharif lên nắm quyền tại Pakistan vào tháng 4 sau khi Imran Khan bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nhà lãnh đạo này đã cam kết cải thiện nền kinh tế ốm yếu và đáp ứng các điều kiện do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt ra trong nỗ lực hồi sinh gói cứu trợ trị giá 6 tỷ USD.
Mặc dù vậy, việc cắt điện kéo dài hàng giờ đồng hồ trên khắp Pakistan đã khiến chính phủ liên minh của ông Sharif không được lòng dân.
Chính phủ đã tăng giá nhiên liệu, khí đốt tự nhiên và điện lên tới 45%, khiến giá lương thực tăng vọt. Tuần trước, nội các của ông Sharif đã trình ngân sách lên quốc hội, đánh thêm thuế đối với người giàu và cam kết xóa bỏ trợ cấp về năng lượng và nhiên liệu theo yêu cầu của IMF.
Phía cựu Thủ tướng Imran Khan tuyên bố chính quyền của ông Sharif đã gây thiệt hại cho nền kinh tế chỉ hai tháng kể từ khi nhậm chức. Ngược lại, Thủ tướng đương nhiệm Sharif phản bác rằng ông đang phải trả giá cho sự quản lý yếu kém từ chính phủ tiền nhiệm.
Trong hơn ba năm cầm quyền, ông Khan cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ phía người dân, đặc biệt khi chính quyền của ông kêu gọi mọi người sử dụng ít đường hơn và chỉ ăn một chiếc roti trong một bữa.