Tuyên bố của ông Iqbal được đưa ra trong bối cảnh Pakistan đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá. Do đó, việc nhập khẩu khiến đất nước này chịu thêm gánh nặng về tài chính.
“Tôi đề nghị đất nước giảm lượng tiêu thụ trà xuống 1-2 cốc vì chúng ta phải vay để nhập khẩu”, ông Iqbal nói với báo giới, theo BBC. Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp đóng cửa sớm hơn để tiết kiệm điện.
Ông Iqbal đề nghị người Pakistan uống ít trà hơn để giảm áp lực tài chính cho đất nước. Ảnh: Al Jazeera. |
Sau tuyên bố này, nhiều người đã lên mạng xã hội để giễu cợt ông Iqbal. Theo họ, việc cắt giảm lượng trà tiêu thụ sẽ không có nhiều tác dụng trong đối phó với những khó khăn của nền kinh tế, CNN đưa tin.
Pakistan là quốc gia nhập khẩu trà lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 640 triệu USD vào năm 2020. Dù vậy, quốc gia này đang phải đối mặt với thách thức kinh tế nghiêm trọng, dẫn tới giá thực phẩm, khí đốt và xăng dầu đồng loạt gia tăng.
Trong khi đó, kho dự trữ ngoại tệ của Islamabad đang sụt giảm nhanh chóng, từ 16,3 tỷ USD cuối tháng 2 xuống còn khoảng hơn 10 tỷ USD vào tháng 5, theo Reuters.
Để đối phó với tình hình, chính phủ Pakistan hồi tháng 5 đã cấm nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu và xa xỉ phẩm để “kiểm soát lạm phát tăng cao, ổn định kho dự trữ ngoại tệ, củng cố nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc của đất nước vào xuất khẩu”.
Vấn đề kinh tế là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc Thủ tướng Imran Khan bị lật đổ hồi tháng 4 vừa qua. Thủ tướng đương nhiệm Shehbaz Sharif cáo buộc ông Khan quản lý yếu kém nền kinh tế và có chính sách không phù hợp, dẫn đến thất bại của ông Khan trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.