Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cõi đi về của Thái Kim Lan

Giáo sư, tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan mới ra mắt cuốn sách “Cõi đi về” - tập hợp những bài viết của bà trên tạp chí Tia sáng suốt 15 năm qua.

Coi di ve anh 1

GS.TS Thái Kim Lan. Ảnh: Lê Minh Diệu/FBNV.

Cuốn sách là mạch tâm tình nhỏ nhẹ mà neo đầy trải nghiệm, suy tư và đặc biệt là tình cảm sâu nặng của bà với đất nước.

Cõi đi về dành riêng phần I để nói về “Những câu chuyện văn hóa”. Trong đó, bà chia sẻ cả những vấn đề rộng mà khái quát như “Truyền thống và hiện đại”, “Quảng bá văn hóa”, “Đạo đức văn hóa”... song cũng rất cụ thể như “Áo dài xưa”, “Lang Liêu và giấc mộng bánh chưng”, “Trà sớm với Vu Lan muộn”... Trong sự nhỏ nhẹ mà sâu đằm của ngòi bút tác giả luôn có sự nhuần nhuyễn giữa mạch lạc triết học và sự bay bổng, thăng hoa.

Ở câu chuyện văn hóa này, bà đưa ra nhiều gợi mở cho người đọc. Đó là những biểu hiện sao chép không chọn lọc văn hóa phương Tây cũng như hiện tượng từ chối văn hóa bản địa. Bà dẫn ra: “Hiện tượng mà W.F. Ogburn gọi là 'cultural lag' - khập khiễng văn hóa, đến từ sự thu nhận vô tình, vô thức không chọn lựa, yếu tố văn hóa 'khác, lạ', dẫn đến nguy cơ đồng hóa văn hóa khi mối quan hệ tương hỗ giữa hai nền văn hóa không có những tiêu chuẩn thích nghi hay hội nhập phù hợp, thì điều này khó có thể tạo nên một sự hòa điệu, nhịp nhàng cho nền văn hóa ấy”.

Khẳng định chủ trương kêu gọi về nguồn ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa không phải là mới lạ, bà chỉ ra đó là truyền thống của một dân tộc “từng giây, từng phút, trên từng tấc đất...” tranh đấu cho “tự chủ” văn hóa.

Coi di ve anh 2

Bìa sách Cõi đi về.

Cũng theo lối nhìn xưa, nghĩ nay, rốt ráo mà cũng thận trọng, trong các bài viết khác bà chia sẻ tâm huyết: “Suốt một khoảng thời gian dài, lĩnh vực văn hóa chưa được đặt ra đúng mức song song với xu thế và phong trào hội nhập toàn cầu. Những hiện tượng văn hóa gần đây cho thấy phần nổi của một thứ văn hóa bung ra từ ngõ sau mà không đi từ ý thức sâu xa về văn hóa như là bản sắc và bản lĩnh dân tộc”.

Một phần đáng chú ý trong “Cõi về” của GS.TS Thái Kim Lan là “Tác giả - tác phẩm” với 9 bài viết về câu chuyện của tác giả, tác phẩm cả trong và ngoài nước. Phải kể đến sự mới mẻ mà đôi mắt của một nhà triết học đã không bỏ qua trong tác phẩm kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du - "Truyện Kiều". Ấy là bà đã phân tích hai câu thơ “Lời quê chắp nhặt dông dài” và “Mua vui cũng được một vài trống canh”, chỉ ra “lời quê” vừa là một tâm thế khiêm tốn nhưng cũng lại là lời khẳng định của chủ thể sáng tạo trên mảnh đất thơ Nôm, không sao chép, rập mẫu. Đặc biệt thú vị, bà dẫn ra tư tưởng các triết gia, từ đó giúp độc giả có thêm một liên tưởng mới lạ hơn về Nguyễn Du và thơ Nguyễn Du.

GS.TS Thái Kim Lan là người con của xứ Huế, nên dễ hiểu khi một phần không nhỏ những cuộc trở về của bà là về với Huế. Như là về với “Thiên nhiên và con người” trong phần III. Ở đó, bà kể về một “Hương Giang siêu thực”, về “Nắng mới” hay nhiều khi là ký ức “Một ngày vui trên ngọn... sầu... đông” với không gian, con người và chút vui, nỗi buồn rất Huế.

Đôi khi, neo lại trong lòng người đọc là những dòng hồi nhớ bình dị, chân tình như một kho lưu giữ chút gì rất Huế, cũng là một phần văn hóa Việt Nam: “Vườn Huế là kho lưu trữ sinh thái cho bếp Huế, có thể cung cấp các loại rau sạch không những cho bữa ăn thường ngày mà cho cả những buổi tiệc tùng, từ ngọn rau răm cho đến trái vả, từ ngọn tần ô cho đến lá dứa, lá dừa. Tất cả đều nhờ bà tôi ngày ngày thầm lặng chăm chút...”.

Giáo sư, tiến sĩ triết học Thái Kim Lan sinh ra và lớn lên tại Huế, sang CHLB Đức học tập và bảo vệ luận án Tiến sĩ Triết học tại Đại học Tổng hợp Ludwig Maximilian Munchen. Bà tham gia giảng dạy tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994. Bạn đọc biết tới bà qua những tác phẩm như Đốt lò hương ấy, Thư gửi con

Tết Huế của mạ

Phong vị Tết được tạo nên từ khí thiêng nghìn đời của quê hương xứ sở, với bao chắt chiu của bàn tay mạ. Bởi thế, mà cứ đến Tết người ta lại nhớ quê, nhớ nhà.

Tết Huế của mạ

Phong vị Tết được tạo nên từ khí thiêng nghìn đời của quê hương xứ sở, với bao chắt chiu của bàn tay mạ. Bởi thế, mà cứ đến Tết người ta lại nhớ quê, nhớ nhà.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1065358/coi-di-ve-cua-thai-kim-lan

Hà An/Hà Nội Mới

Bạn có thể quan tâm