"Các cố vấn cấp cao của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đồng loạt nộp đơn xin từ chức sau vụ ông ban bố và bãi bỏ lệnh thiết quân luật", hãng thông tấn Yonhap đưa tin ngày 4/12.
Văn phòng Tổng thống Yoon hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận của AFP.
Dưới lệnh thiết quân luật, lực lượng vũ trang được huy động để vô hiệu hóa toà nhà Quốc hội vào nửa đêm 3/12. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, rạng sáng 4/12, đảng Dân chủ đối lập với thế đa số tại Quốc hội đã họp khẩn và đưa ra nghị quyết kêu gọi Tổng thống Yoon từ chức, theo KBS.
Nghị quyết nhấn mạnh rằng việc Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật là hành vi "vi hiến" rõ ràng và ông Yoon đã không tuân thủ các quy định chiếu theo luật pháp Hàn Quốc.
Đảng Dân chủ đối lập cho rằng việc ông Yoon ban bố thiết quân luật tương đương với hành động nổi loạn nghiêm trọng và là căn cứ rõ ràng để luận tội.
Đảng này sau đó cảnh báo sẽ tiến hành luận tội ngay lập tức trừ khi ông Yoon tự nguyện từ chức tổng thống.
Trước đó, trong đêm 3/12 (giờ địa phương), Tổng thống Yoon đã ban bố thiết quân luật khẩn cấp, cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước và âm mưu nổi loạn”.
Nhưng chỉ khoảng 5 giờ sau, ông Yoon tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, nhượng bộ trước áp lực sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh này.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật trong 44 năm qua. Lần gần nhất Hàn Quốc ban bố thiết quân luật là khi cuộc nổi dậy Gwangju chống chính quyền quân sự nổ ra vào tháng 5/1980.
Dưới tình trạng thiết quân luật khẩn cấp, quân đội Hàn Quốc được cho là đã thông báo đình chỉ mọi hoạt động của Quốc hội nước này, Guardian dẫn các nguồn tin địa phương cho biết.
Những người vi phạm sắc lệnh thiết quân luật có thể bị bắt giữ mà không cần lệnh của toà án, theo New York Times.
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.