Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đêm 3/12 (giờ địa phương) đã ban bố thiết quân luật khẩn cấp, cáo buộc phe đối lập “có các hoạt động chống nhà nước và âm mưu nổi loạn”.
Nhưng chỉ khoảng 5 giờ sau, ông Yoon tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, nhượng bộ trước áp lực sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua nghị quyết bãi bỏ lệnh này.
“Tôi sẽ dỡ bỏ thiết quân luật ngay khi chúng ta tập hợp đủ đại biểu trong nội các. Bây giờ mới là sáng sớm nên vẫn chưa tập hợp đủ các đại biểu”, ông Yoon nói trong một tuyên bố. Ông kêu gọi cơ quan lập pháp “ngay lập tức chấm dứt những hành vi vô lý đang làm tê liệt hoạt động của đất nước bằng các cuộc luận tội, thao túng lập pháp và ngân sách”.
Bế tắc chính trị
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc ban bố thiết quân luật trong 44 năm qua. Lần gần nhất Hàn Quốc ban bố thiết quân luật là khi cuộc nổi dậy Gwangju chống chính quyền quân sự nổ ra vào tháng 5/1980.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, Tổng thống Yoon đã thường xuyên rơi vào thế bế tắc với đảng Dân chủ tự do đối lập, vốn chiếm thế đa số tại Quốc hội, về việc triển khai đường lối chính sách. Tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với chính quyền ông Yoon đã giảm mạnh, theo New York Times.
Trong bài phát biểu trên sóng truyền hình toàn quốc đêm 3/12 (giờ địa phương), Tổng thống Yoon nói: "Thông qua lệnh thiết quân luật khẩn cấp này, tôi sẽ xây dựng lại và bảo vệ nước Hàn Quốc tự do đang trên bờ vực sụp đổ".
Hiến pháp Hàn Quốc quy định rằng tổng thống có thể ban bố thiết quân luật trong hoàn cảnh "cần thiết để ứng phó với nhu cầu quân sự hoặc để duy trì an toàn và trật tự công cộng bằng cách huy động lực lượng quân đội trong thời chiến, xung đột vũ trang hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự".
Tổng thống Yoon Suk Yeol. Ảnh: Reuters. |
Tướng Park An Su, Tham mưu trưởng Lục quân Hàn Quốc, người được Tổng thống Yoon bổ nhiệm làm chỉ huy thiết quân luật, đã cấm "mọi hoạt động chính trị", bao gồm cả hoạt động của các đảng phái lẫn những cuộc biểu tình của quần chúng.
"Toàn bộ phương tiện truyền thông đều nằm dưới sự quản lý của thiết quân luật", Tướng Park nói.
Dưới tình trạng thiết quân luật khẩn cấp, quân đội Hàn Quốc được cho là đã thông báo đình chỉ mọi hoạt động của Quốc hội nước này, Guardian dẫn các nguồn tin địa phương cho biết.
Lệnh thiết quân luật khẩn cấp đồng thời đình chỉ hoạt động của các công đoàn và cấm lan truyền "tin giả".
Theo hãng thông tấn Yonhap, toàn bộ bác sĩ và nhân viên y tế đang tham gia vào các cuộc đình công buộc phải quay trở lại làm việc trong vòng 48 giờ.
Những người vi phạm sắc lệnh thiết quân luật có thể bị bắt giữ mà không cần lệnh của toà án, theo New York Times.
Theo hãng tin Yonhap, đảng Dân chủ chiếm đa số Quốc hội đã kêu gọi toàn bộ nhà lập pháp tập trung tại toà nhà Nghị viện bất chấp lệnh cấm tụ họp của thiết quân luật. Thông qua một cuộc biểu quyết, Quốc hội đã thông qua quyết định bãi bỏ lệnh thiết quân luật khẩn cấp của Tổng thống Yoon.
Phản ứng của các đảng và Quốc hội
Ông Yoon từng phục vụ với tư cách một công tố viên trước khi chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc năm 2022. Ông đã giúp phe bảo thủ giành lại quyền lực với lập trường cứng rắn trên khía cạnh đối ngoại và thắt chặt mối quan hệ đồng minh với Mỹ.
Khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 5/2022, Tổng thống Yoon cam kết đấu tranh cho những giá trị dân chủ và tự do.
Tuy nhiên, ngay sau khi đắc cử, ông Yoon được cho là đã nỗ lực trấn áp những luồng ý kiến mà ông gọi là "thông tin sai lệch" thông qua những vụ tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước và quá trình điều tra hình sự, chủ yếu nhắm vào các hãng tin tức truyền thông, theo New York Times.
Cảnh sát và các công tố viên đã nhiều lần đột kích nhà riêng và nơi làm việc của những phóng viên bị văn phòng Tổng thống Yoon cáo buộc "phát tán tin giả".
Vào tháng 4, đảng Quyền lực Nhân dân của ông Yoon đã thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội và phe đối lập đã giành được thế đa số. Ông Yoon trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên trong nhiều thập kỷ phải đối mặt với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong toàn bộ thời gian tại nhiệm.
Binh lính và cảnh sát ngăn lối vào toà nhà Quốc hội dưới lệnh thiết quân luật khẩn cấp. Ảnh: Reuters. |
Sau khi ông Yoon ban bố thiết quân luật khẩn cấp, lãnh đạo Han Dong Hoon của đảng Quyền lực Nhân dân cho rằng hành động này của tổng thống là "sai". Ông Han cũng nói rằng bản thân sẽ "ngăn" lệnh thiết quân luật này lại, theo Yonhap.
Lãnh đạo đảng đối lập Lee Jae Myung đã quay một đoạn video trong xe hơi trên đường đến toà nhà Quốc hội và kêu gọi người dân tập trung tại đó.
"Không có lý do gì để ban bố thiết quân luật. Chúng ta không thể để quân đội cai trị đất nước này", ông Lee nói. "Tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon là vi hiến và không có hiệu lực".
Lee Jae Jung, một nhà lập pháp Hàn Quốc là thành viên của Đảng Dân chủ, đã viết trên Facebook rằng bà đã trên đường đến Quốc hội.
"Chúng ta sẽ ngăn chặn điều này bằng mọi giá", bà Lee viết.
Đám đông biểu tình tập trung trước toà nhà Quốc hội. Ảnh: Reuters. |
Hình ảnh do các phương tiện truyền thông nhà nước Hàn Quốc ghi lại cảnh binh sĩ và cảnh sát đẩy lùi đám đông đang cố gắng tràn vào toà nhà Quốc hội. Những người biểu tình đồng thanh hô vang: "Chấm dứt thiết quân luật! Chấm dứt thiết quân luật!".
Hình ảnh phát đi trực tiếp từ toà nhà Quốc hội cho thấy một số nhà lập pháp có vẻ như đã tổ chức một cuộc họp khẩn do Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik chủ trì.
Theo luật pháp Hàn Quốc, lệnh thiết quân luật sẽ bị bãi bỏ thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Khi "Quốc hội yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật, Tổng thống phải thực hiện ngay lập tức và công bố quyết định này".
Những cuốn sách để hiểu về Hàn Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Hàn Quốc - một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.