Các cơ quan quản lý của ngành tài chính Mỹ đang phải đối mặt với câu hỏi liệu họ có bỏ sót những rủi ro tiềm ẩn từ ngân hàng Silicon Valley (SVB) trong những năm qua hay không, khi ngân hàng này đã có những hoạt động chứng khoán bất thường.
Bộ Tư pháp Mỹ đã bắt đầu điều tra vụ sụp đổ của SVB. Chuyên gia Mark Zandi nói rằng bên cạnh SVB, có thể có một danh sách dài các bên phải chịu trách nhiệm, nhưng sẽ cần điều tra gốc rễ để xác minh khủng hoảng lần này.
Ông Zandi cho rằng hệ thống tài chính Mỹ đã được củng cố kể từ sau khủng hoảng năm 2008, và sự sụp đổ của SVB khó có thể đẩy nền kinh tế số một thế giới rơi vào suy thoái trong năm nay.
"Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng có thể tạo sự không chắc chắn và làm tăng khả năng tôi có thể lạc quan thái quá", ông nói với Zing.
Chính phủ Mỹ hành động
Ông Zandi cho biết kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ đã thông qua Đạo luật Dodd - Frank cải cách và bảo vệ người tiêu dùng của phố Wall năm 2010 nhằm thiết lập các cơ quan giám sát và đảm bảo ổn định tài chính.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics. Ảnh: Reuters/Insider. |
Hệ thống tài chính Mỹ khi đó cũng đặt ra một loạt các yêu cầu, quan trọng nhất là yêu cầu phải có nguồn vốn lớn. Ngoài ra còn có những quy định nâng cao về thanh khoản, hay các bài kiểm tra sức chịu đựng (stress test) hàng năm cho các ngân hàng.
“Hệ thống tài chính ngày nay có nền tảng tài chính lành mạnh hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng 2008. Bài học quan trọng nhất từ cuộc khủng hoảng đó là chính phủ cần phải hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để bảo vệ hệ thống tài chính, điều mà họ đã làm vào đầu tuần”, ông Zandi nói.
Trước đó, viết trên Twitter, ông cho rằng vấn đề lần này chỉ thật sự ảnh hưởng lên một số ngân hàng vừa và nhỏ, vốn bị cuốn vào sự sụt giảm ngành công nghệ và tiền điện tử.
"Trong cuộc khủng hoảng 2008, mọi tổ chức tài chính lớn và nhỏ đều cuốn vào việc rút tiền", vị chuyên gia nhận định.
Vào giai đoạn khủng hoảng hơn 10 năm trước, chính phủ Mỹ đã tung ra các chính sách giải cứu các nhà băng và cổ đông. Giờ đây, những gửi tiền là đối tượng được hỗ trợ, khi các cơ quan quản lý đảm bảo các khoản tiền gửi vào hai ngân hàng Silicon Valley và Signature, đều đã đóng cửa vào tuần trước.
Đây được xem như công cụ mạnh nhất mà giới chức Mỹ có thể sử dụng để đảm bảo các hộ gia đình không hoảng loạn mà rút tiền khỏi những ngân hàng khác, điều có thể tạo ra nguy cơ sụp đổ dây chuyền, theo Wall Street Journal.
Dù vậy, các quan chức và giới chuyên gia đều thận trọng khi cho rằng vào thời điểm này, không có gì chắc chắn các cơ chế hỗ trợ sẽ đảm bảo không có kịch bản xấu nào xảy ra.
“Chúng ta cần hy vọng và cầu nguyện điều này có hiệu quả”, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer nói với các nghị sĩ vào hôm 12/3 khi thảo luận về các phương án.
Chính phủ Mỹ đã tích cực hỗ trợ hệ thống ngân hàng bằng cách đảm bảo các khoản tiền gửi có thể tiếp cận được, và lập ra cơ sở tín dụng để cho phép các ngân hàng vay từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vào thời điểm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen báo cáo tình hình với Tổng thống Joe Biden vào hôm 12/2, Nhà Trắng và giới quản lý kết luận rằng không có lựa chọn nào thực tế hơn. Fed khi đó đã đưa ra chương trình cho vay đặc biệt để các ngân hàng có thể tiếp cận với tín dụng từ ngân hàng trung ương khi cần thiết.
Kịch bản chung xám xịt của ngành công nghệ
Sau những năm bùng nổ trong đại dịch, ngành công nghệ đã chứng kiến bước lùi trong hai năm qua.
Trong 15 công ty công nghệ lớn nhất tại Mỹ, không có công ty nào tạo ra lợi nhuận dương trong năm 2021. Các nhà đầu tư cũng đã mất 7,4 nghìn tỷ USD, dựa trên mức giảm 12 tháng ở sàn Nasdaq, CNBC đưa tin vào tháng 1/2022.
Bảng điện tử về thị trường chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 15/3. Ảnh: Reuters. |
Giá năng lượng, lạm phát và lãi suất tăng cũng giáng thêm đòn đau cho ngành công nghệ trong năm qua. Meta, công ty mẹ của Facebook, bốc hơi 2/3 giá trị. Amazon cũng mất 1/2 giá trị. Chứng khoán ngành công nghệ tại Mỹ năm 2022 đã giảm 30%, nhiều hơn so mức giảm trung bình của thị trường là 20%.
Là một ngân hàng có lượng lớn khách hàng là các doanh nghiệp công nghệ, hoạt động của SVB phần nào bị ảnh hưởng bởi xu thế này.
Tuy vậy, sự sụp đổ của một trong những ngân hàng lớn nhất tại Mỹ lại đến từ nhiều hoạt động của ngân hàng hơn, như lượng tiền gửi đổ vào bất thường, phần lớn không được bảo hiểm, và mua nhiều trái phiếu kho bạc cùng chứng khoán thế chấp dài hạn, ông Zandi nói.
"Điều này dẫn đến sự chênh lệch giữa tài sản và nợ phải trả, khiến ngân hàng không có đủ tài sản để nhanh chóng bán và trả tiền cho khách hàng. Điều này dẫn đến sự mất niềm tin ở người gửi tiền, dẫn đến việc rút tiền hàng loạt", chuyên gia của Moody's Analytics nhận định.
SVB đã nằm trong tầm ngắm của Fed và FDIC trước khi sụp đổ vào tuần trước. Giới chức Mỹ đã lo ngại về hạng mục đầu tư chứng khoán của ngân hàng, vốn đã mất giá trị đáng kể khi Fed tăng lãi suất.
Điều đang chờ phía trước
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) cùng Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã ở bước đầu của cuộc điều tra về sự sụp đổ của SVB.
Cả hai cơ quan liên bang đang xem xét hành động của các giám đốc cấp cao để xác minh liệu nó có liên quan đến sự sụp đổ này hay không, theo CNN.
Các cơ quan liên bang Mỹ đã vào cuộc điều tra sau sự sụp đổ của SVB. Ảnh: Reuters/Financial Times. |
"Chưa nói chuyện với bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào, chúng tôi sẽ điều tra và thực thi pháp luật nếu chúng tôi thấy vi phạm luật chứng khoán liên bang", Chủ tịch SEC Gary Gensler nói.
Hôm 14/3, Moody's đã hạ triển vọng của toàn bộ ngành ngân hàng Mỹ, sau khi đưa 6 ngân hàng nước này vào diện xem xét hạ xếp hạng tín dụng.
Công ty xếp hạng tín dụng cho biết dự kiến có thêm nhiều ngân hàng chịu áp lực sau vụ sụp đổ của SVB, đặc biệt là những ngân hàng có lượng lớn tiền gửi không được bảo hiểm và trái phiếu kho bạc dài hạn.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.