Vào chiều 12/3, ông Prashant Fonseka đang bay trở về San Francisco, cùng với các chuyên gia công nghệ khác sau khi tham gia một hội nghị. Giữa chuyến bay, các cơ quan quản lý liên bang tuyên bố chính phủ sẽ đảm bảo rằng tất cả người gửi tiền tại ngân hàng Silicon Valley (SVB) - đã sụp đổ hôm 10/3 - sẽ được hoàn trả đầy đủ.
Máy bay tràn ngập trong tiếng reo hò. Ông Fonseka, một nhà đầu tư mạo hiểm tại Tuesday Capital, cho biết: “Đó là điều phấn khích nhất mà tôi từng chứng kiến khi mọi người đi máy bay”.
Tiền của mọi người đều an toàn, nhưng sự sụp đổ đối với ngân hàng Silicon Valley (SVB), vốn là trụ cột của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ, đã phơi bày nhiều thứ trong ngành này.
Trong khi thông báo của chính phủ Mỹ giúp công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư có tiền bị mắc kẹt tại SVB yên tâm, vụ việc đã phơi bày những lỗ hổng của ngành công nghệ, cũng như "trò chơi đổ lỗi" của nhiều người làm việc trong đó.
Trò chơi đổ lỗi
Đặc biệt, sự chết lặng trước việc SVB sụp đổ, sau đó là lời cầu xin chính phủ can thiệp hay sự nhẹ nhõm tột độ khi các cơ quan quản lý đồng ý đã nêu bật mức độ phụ thuộc của ngành công nghiệp khởi nghiệp vào một tổ chức.
Trên Twitter, một số nhà đầu tư công nghệ đã đổ lỗi cho hầu hết mọi người, trừ chính họ. Sau đó, họ cũng ngạc nhiên rằng rất ít người ngoài ngành thông cảm với hoàn cảnh của họ.
Jason Goldman, một chuyên gia công nghệ lâu năm, cho biết sự sụp đổ của SVB “đã bộc lộ một số vấn đề trong cách ngành này thể hiện mình với phần còn lại của thế giới”.
Theo ông, nhiều chuyên gia công nghệ vẫn tự coi họ là những người mới nổi, thay vì những người có vị thế nhất định trong ngành. Một số người có tiếng nói trong cộng đồng đầu tư coi mình là nạn nhân trong sự sụp đổ của SVB, thay vì các doanh nghiệp nhỏ không thể trả lương.
Một số người cố gắng chống lại quan điểm chỉ trích lĩnh vực công nghệ trên mạng xã hội. Cuối tuần qua, Garry Tan, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Y Combinator, đã gửi tin nhắn tới hàng trăm nhà sáng lập và doanh nhân, yêu cầu họ chia sẻ về tác động từ sự sụp đổ của SVB.
Khách hàng chờ bên ngoài chi nhánh của SVB ở Massachusetts hôm 13/3. Ảnh: Reuters. |
Theo New York Times, mục đích của điều đó là nhằm chỉ ra sự đổi mới có thể bị bóp nghẹt như thế nào, nếu những người gửi tiền không được trả lại toàn bộ.
Ông Garry Tan gọi sự sụp đổ của SVB là sự kiện “mang cấp độ tuyệt chủng” đe dọa các start-up. “Bằng cách đoàn kết với nhau như một cộng đồng và thể hiện sức mạnh của mình, chúng ta có thể tác động đến tương lai của các công ty khởi nghiệp”, ông Tan viết.
Sau đó, ông đã đăng một bản kiến nghị trực tuyến lên chính phủ, yêu cầu họ “cứu vãn sự đổi mới trong nền kinh tế Mỹ”.
Ngoài ra, hơn 600 công ty đầu tư mạo hiểm cũng đã tập hợp lại vào ngày 11-12/3 để ký một tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ đối với SVB và nỗi thất vọng trước sự sụp đổ của họ.
Họ cam kết khuyến khích các công ty trong danh mục đầu tư của họ tiếp tục giao dịch với SVB nếu ngân hàng này bị bán.
Nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ đã hợp tác với SVB vì ngân hàng này chuyên cho các công ty trẻ đầy rủi ro vay tiền - điều mà ít ngân hàng cung cấp. Qua đó, SVB đã để lại dấu ấn lớn trong ngành công nghiệp khởi nghiệp.
Lời cảnh tỉnh
Bên cạnh đó, ông Fonseka dự đoán các sự kiện cuối tuần qua sẽ tạo ra một sự thay đổi lâu dài trong cách quản lý tiền của các công ty khởi nghiệp.
Một số công ty công nghệ thậm chí đang xem xét xây dựng một sản phẩm công nghệ giúp doanh nghiệp quản lý tiền trên nhiều tài khoản ngân hàng, ông cho biết.
“Chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi lâu dài trong hành vi trong cách mọi người quản lý tiền mặt của họ. Mọi người sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra vào thứ sáu đó (ngày 10/3)”, ông nói.
SVB cũng lún sâu vào tài chính cá nhân của các giám đốc điều hành trong lĩnh vực công nghệ. Họ cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nhà đầu tư và những người sáng lập công ty khởi nghiệp đã giao dịch với họ.
Vì vậy, họ có thể đảm bảo các khoản vay tương tự đối với những ngôi nhà trị giá hàng triệu USD, một nguồn tin thân cận cho biết. Điều này thường bị các ngân hàng truyền thống từ chối.
Vào tuần trước, Austin Petersmith, Phó chủ tịch phụ trách tăng trưởng của công ty Vendr, đã gửi lời cảm ơn tới SVB vì đã cho ông thế chấp căn nhà của mình.
“Nếu không có SVB, gia đình tôi thực sự sẽ không ngồi trong ngôi nhà này hôm nay”, ông chia sẻ trên Twitter. Ông đồng thời cho biết 15 ngân hàng và công ty cho vay đã từ chối ông, trong khi SVB “phê duyệt trong vòng chưa đầy một tuần”.
Chi nhánh của SVB ở San Francisco. Ảnh: Reuters. |
Đối với nhiều doanh nhân công nghệ đã giao dịch với SVB, cảm xúc căng thẳng chỉ kết thúc vào ngày 13/3, khi họ và công ty có quyền tiếp cận khoản tiền gửi đã bị đóng băng trong hơn 72 giờ trong ngân hàng này.
Sunny Juneja, người sáng lập công ty phần mềm bất động sản Canopy Analytics, đã để tiền của công ty trong tài khoản vãng lai tại SVB. Tuy nhiên, với số tiền bị đóng băng vào cuối tuần, ông không chắc liệu mình có thể trả lương trong tuần này hay không.
Vào ngày 13/3, Canopy Analytics đã rút được số tiền trị giá vài triệu USD. Ông Juneja bắt đầu đặt khoản tiền đó vào bộ xử lý bảng lương mới và J.P. Morgan Chase - ngân hàng mới của công ty.
Ông Juneja cho biết vẫn còn nhiều câu hỏi về những việc cần làm tiếp theo. “Sự việc này sẽ thay đổi rất nhiều thứ”, ông nói.
Bất chấp những tin tức đáng hoan nghênh, các nhà đầu tư mạo hiểm cho biết họ vẫn bị chấn động bởi tốc độ sụp đổ của SVB, theo Wall Street Journal.
Đây sẽ là lời cảnh tỉnh cho những người sáng lập đánh giá lại các hoạt động quản lý rủi ro và tiền mặt của họ, giữa lúc ngành công nghệ đang hứng chịu mức độ suy thoái nghiêm trọng nhất trong hơn một thập kỷ.
Các nhà đầu tư đang kêu gọi những nhà sáng lập thận trọng hơn đối với giao dịch ngân hàng, bao gồm cả việc đa dạng hóa tài khoản ngân hàng và đảm bảo rằng số tiền đó được bảo hiểm.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế