Theo trang tin Bloomberg, thị trường chứng khoán Mỹ đã có nhiều biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 7/3 sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell có bài phát biểu cho thấy có thể tiếp tục tăng lãi suất.
Cụ thể, tỷ giá đồng USD tiếp tục tăng 1% sau thông tin này, trong khi thị trường chứng khoán và hàng hóa tương lai chứng kiến đà giảm mạnh. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm cũng tăng thêm một điểm phần trăm.
Không chỉ riêng chứng khoán Mỹ, hầu hết tài sản trên các thị trường tài chính của châu Á cũng phải chịu tác động. Do đó, Bloomberg đã phỏng vấn một số chiến lược gia về những nhận định của họ đối với tình hình này.
Ông Jerome Powell ngày hôm qua đã có bài phát biểu về khả năng tăng lãi suất của Fed. Ảnh: Bloomberg. |
"Đối với thị trường châu Á, những phát biểu về khả năng tăng lãi suất của Fed đã dập tắt hy vọng của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc khi lạm phát nước này giảm nhanh chóng. Trong khi đó, tỷ giá đồng nội tệ của các nước châu Á so với đồng USD cũng sẽ giảm sâu trong trung và dài hạn", bà Hebe Chen - nhà phân tích tại IG Markets - cho biết.
Tương tự, bà Kellie Wood - Phó Giám đốc Schroders Plc - cũng đồng tình với nhận định trên và bổ sung thêm rằng kể cả Fed có tăng lãi suất lên 6% thì cũng không còn là vấn đề lớn, vì tình trạng bán tháo chứng khoán đã lan rộng khắp châu Á.
Trong khi đó, ông Brendan McKenna - chiến lược gia thị trường mới nổi tại Wells Fargo - thì cho biết: "Ông Powell tỏ ra quyết liệt hơn những gì chúng ta tưởng tượng và điều này có thể ảnh hưởng đến cả thế giới. Việc lãi suất tăng cao trong thời gian dài đã trở thành kịch bản của đa số ngân hàng trung ương, bất chấp kỳ vọng của giới đầu tư vào việc tạm dừng tăng lãi suất trong năm nay".
Theo ông, việc nhà đầu tư cần làm hiện tại là yên lặng và chờ đợi báo cáo thất nghiệp vào cuối tuần này, cũng như vững tin vào thị trường vì bất cứ đợt bán tháo nào cũng có thể là cơ hội mua.
Ngoài ra, ông cũng cho biết "đây rõ ràng là một bước thụt lùi đối với thị trường chứng khoán khi sắc xanh đã trở lại trong thời gian trước nhờ việc nhà đầu tư kỳ vọng cuộc đua lãi suất sắp kết thúc".
"Nếu Fed thực sự tăng lãi suất quá mức dự báo, giới đầu tư sẽ không còn nhiều niềm tin và có thể sẽ dẫn đến đà lao dốc trên thị trường chứng khoán toàn cầu", bà Karen Jorritsma - người đứng đầu bộ phận chứng khoán tại RBC Capital Markets - cho biết.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.