Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn cho 2 cuộc điều trần tuần này tại Đồi Capitol, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách.
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ chỉ ra dữ liệu kể từ đầu năm cho thấy lạm phát đã đảo ngược đà giảm tốc vào cuối năm 2022. Ông cảnh báo về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nhằm kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế.
"Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần tăng cường thắt chặt chính sách, chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất", ông Powell nhấn mạnh.
Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ sau những bình luận "diều hâu" của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Bloomberg. |
Sẵn sàng tăng lãi suất mạnh tay
Bài phát biểu của ông Powell nói lên 2 điều. Thứ nhất, ngân hàng trung ương Mỹ có thể đưa mức lãi suất cực đại ở cuối chu kỳ tăng lên cao hơn dự báo.
Thứ hai, cơ quan hoạch định chính sách của Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách gần nhất, nhưng có thể tăng trở lại nếu lạm phát vẫn nóng.
Trước đó, trong năm 2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp (trong cuộc họp tháng 6, 7, 9 và 11), rồi tăng tiếp 0,5 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 12.
Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần tăng cường thắt chặt chính sách, chúng tôi sẽ sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Theo dự báo được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, các quan chức Fed cho rằng mức lãi suất ở cuối chu kỳ tăng sẽ đạt 5,1%.
Dữ liệu của CME Group chỉ ra các nhà đầu tư đang đặt cược vào kịch bản Fed nâng lãi suất lên 5,5-5,75% ở cuối chu kỳ tăng.
Phố Wall đỏ lửa sau những bình luận mới nhất của ông Powell. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 558,78 điểm (tương đương 1,67%) xuống 32.872,66 điểm.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiên về công nghệ giảm lần lượt 61,71 điểm (-1,53%) và 136,85 điểm (-1,16%).
Người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ cũng đang đứng trước thử thách lớn. Ông cần phải thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ rằng Fed sẽ có thể hạ nhiệt lạm phát nhưng không kéo tụt nền kinh tế.
Chủ tịch Jerome Powell sẽ phải báo cáo về chính sách tiền tệ trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào ngày 7/3 và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 8/3.
Dữ liệu không đứng về phía Fed
"Lạm phát là một vấn đề đáng lo ngại. Và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì Fed không nhận ra nó vào năm 2021", CNBC dẫn lời ông Komal Sri-Kumar, Chủ tịch của Sri-Kumar Global Strategies, nhận định.
Ông Sri-Kumar cho rằng Fed đáng lẽ nên vào cuộc sớm và quyết liệt hơn, chẳng hạn tăng lãi suất 1,25 điểm phần trăm vào tháng 9/2022, khi lạm phát CPI (chỉ số giá tiêu dùng) đang ở mức 8,2%.
Thay vào đó, vào tháng 12, Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất.
Giờ đây, ông Sri-Kumar cho rằng Fed có thể buộc phải đẩy lãi suất điều hành lên khoảng 6% để hạ nhiệt lạm phát, và điều này có thể làm tổn thương nền kinh tế.
Các dữ liệu kinh tế đang không đứng về phía Fed. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi - không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,6% trong tháng 1 và 4,7% so với một năm trước đó, vượt dự báo của giới quan sát. PCE là thước đo lạm phát được Fed yêu thích.
Ngân hàng trung ương Mỹ theo dõi báo cáo PCE sát sao hơn những chỉ số lạm phát khác, bởi chỉ số này điều chỉnh theo thói quen chi tiêu của người tiêu dùng.
Báo cáo PCE không phải minh chứng duy nhất cho thấy Fed đang thất thế trong cuộc chiến chống lạm phát. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng và doanh số bán lẻ trong tháng 1 của Mỹ đều cao hơn dự báo. Tất cả chỉ ra ngân hàng trung ương Mỹ có thể giữ lập trường diều hâu lâu hơn nữa.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.