Cạnh đường gom Đại lộ Thăng Long (khu vực huyện Hoài Đức - Hà Nội) là một trong những nơi trồng bưởi cảnh lớn nhất Hà Nội, với hơn 30 hộ và gần 2.000 gốc đang dần chín vàng, chuẩn bị phục vụ người chơi Tết.
So với các loại cây cảnh khác, bưởi cảnh là loại cây đắt tiền và thế cây rất to, cồng kềnh nên thường được các doanh nghiệp chọn mua để trưng tại văn phòng vào dịp Tết. Hoặc, chỉ những gia đình có sân vườn rộng mới chuộng loại bưởi này.
Những chậu bưởi cảnh đã sẵn sàng chờ khách. Ảnh: Ngọc Cương. |
Sở hữu vườn bưởi cảnh vài tỷ đồng với hàng trăm cây, anh Toàn (Hoài Đức, Hà Nội) đã dựng lều, ăn ngủ tại vườn hơn 2 tuần nay và bắt đầu bán cho khách chơi Tết. Anh Toàn cho hay anh và bà con nông dân trồng bưởi ở Hoài Đức đang rất ngóng chờ thị trường Tết năm nay sẽ sôi động để có thể bán được giá cao.
Khảo sát của PV VietNamNet cho thấy giá bưởi cảnh tại vườn hiện dao động 7-40 triệu đồng/cây, tùy kích cỡ, lượng quả và kiểu dáng độc lạ.
Dù vậy, anh Toàn dự đoán thị trường bưởi cảnh năm nay sẽ khó khăn hơn năm trước. Bình thường thời điểm này vài năm lại đây, mỗi ngày anh bán được vài cây, thu về vài chục triệu đồng. Nhưng năm nay, từ khi mở bán hơn nửa tháng qua, anh cũng chỉ bán được 5-6 cây.
Chưa kể năm nay, mỗi cây bưởi phải gánh chi phí thêm cả triệu đồng do bão Yagi. Trong khi, giá bán nhìn chung không cao hơn so với các năm trước.
“Chi phí làm khung chắn gió cho cả vườn bưởi hàng trăm cây cũng khiến mỗi hộ trồng tốn thêm từ 50 triệu đến 100 triệu đồng. Bão qua, mưa kéo dài nhiều ngày lại làm cho cây bị sâu bệnh nên người nông dân phải bỏ ra vài chục triệu mua thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng. Chi phí cao lên là vậy nhưng tình hình thị trường chưa thấy sáng, không lo làm sao được”, anh Toàn chia sẻ.
Theo chị Hoàng Thị Hoan - một hộ gia đình trồng bưởi cảnh tại đây, nghề này khá vất vả, không như trồng quất hay đào. Để có một cây bưởi cảnh bán ra thị trường mất rất nhiều công đoạn chăm sóc và tạo dáng.
Đặc biệt, để có một gốc bưởi to, thế đẹp, người làm bưởi cảnh phải lên các vùng cao như Tuyên Quang, Lai Châu... những nơi trồng nhiều bưởi để mua gốc.
“Bưởi cảnh ở đây thường là gốc cây bưởi Diễn có tuổi đời 15 năm, đã bị thoái hóa, quả không còn ngon nên bà con trên vùng cao bán lại cho những người trồng bưởi làm cảnh. Để săn tìm bưởi gốc, chúng tôi mất tới vài tuần. Mỗi chuyến đi như vậy chỉ mua được hơn chục gốc, chi phí đi lại tốn kém”, chị Hoan nói.
Chị Hoan chia sẻ thêm mang gốc cây về, bà con phải trồng trong vườn trong vòng 1 năm cho cây hồi sinh. Sang năm thứ hai, bưởi được trồng trên chậu trong một năm nữa để cây làm quen với môi trường sống trong chậu.
Đến năm thứ ba, khi cây khỏe mạnh hoàn toàn mới được ghép quả và tạo dáng thì mới đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường.
Trả lời thắc mắc về việc không đi mua thu gom gốc về trồng sau khi hết Tết, anh Trung - chủ một vườn tại Hoài Đức - cho hay giá trị cây bưởi cảnh lên đến vài chục triệu đồng nên khách thường chơi đến hết tháng Giêng. Trong thời gian này, cây không được chăm sóc nên rất yếu, có mua gom về cũng không thể cấy ghép cho quả to đẹp để bán vào dịp Tết năm sau.