Cuối tháng 7, Iran tuyên bố sẽ đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh, khiến nhiều người Israel lo ngại một cuộc tấn công sắp xảy ra. Gần hai tuần trôi qua, Iran không có phản ứng quy mô lớn nào. Trong khi đó, tình trạng căng thẳng vẫn bao trùm Israel và toàn khu vực Trung Đông, theo New York Times.
Vụ ám sát diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với Tehran, khi các nhà phân tích cho rằng nước này đang cố gắng đưa ra phản ứng khôn ngoan, vừa để trừng phạt vụ ám sát xảy ra trên lãnh thổ Iran, vừa tránh cuộc chiến toàn diện với một đối thủ mạnh. Vụ việc cũng xảy ra khi tân tổng thống Iran vừa nhậm chức, điều này có thể đang làm chậm quyết định của Cộng hòa Hồi giáo.
Vì sao Iran tuyên bố trả đũa?
Iran và các quan chức Hamas đã cam kết đáp trả vụ ám sát ông Ismail Haniyeh, lãnh đạo chính trị cấp cao của Hamas. Ông Haniyeh bị ám sát tại Tehran vào ngày 31/7 sau khi tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.
Iran - quốc gia ủng hộ lực lượng Hamas - đã đổ lỗi cho Israel về vụ ám sát. Các lãnh đạo Israel chưa lên tiếng khẳng định lực lượng của họ đứng sau vụ việc.
Một ngày trước đó, ông Fuad Shukr, chỉ huy cấp cao của Hezbollah - lực lượng được Iran hỗ trợ - đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Israel ở ngoại ô thủ đô Beirut, Lebanon. Chính phủ Israel tuyên bố cuộc không kích này nhằm trả đũa vụ tấn công bằng rocket từ Lebanon bắn trúng một sân bóng ở khu vực cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, hầu hết là thanh thiếu niên và trẻ em. Hezbollah đã phủ nhận thực hiện cuộc tấn công.
Cái chết của ông Haniyeh được xem là đòn giáng lớn đối với Iran vì nó diễn ra trên lãnh thổ nước này. Đáp lại, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel, ba quan chức nước này cho biết.
Giới phân tích nhận định nếu không thực hiện được lời đe dọa này, hệ thống răn đe được xây dựng qua nhiều năm và với chi phí lớn của Iran sẽ được cho là không hiệu quả.
Chiếc xe tải chở quan tài của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh đi qua Tehran vào tháng 8. Ảnh: New York Times. |
Vì sao Iran chưa phản ứng?
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani khẳng định “cần phải trừng phạt Israel”. Tuyên bố này cũng tương đồng với ý kiến của các quan chức cấp cao khác. Song ông Kanaani nhấn mạnh “Tehran không muốn làm leo thang xung đột trong khu vực”.
Bên cạnh đó, bà Sanam Vakil, nhà phân tích về Trung Đông tại tổ chức nghiên cứu Chatham House ở London, nhận định nội các của tân tổng thống Iran, bao gồm cả bộ trưởng ngoại giao, vẫn chưa được phê chuẩn, điều này có thể làm chậm quá trình thảo luận nội bộ.
Ông Pezeshkian, người được xem là nhà cải cách, cũng có thể đang nỗ lực cân bằng giữa nhu cầu thể hiện sức mạnh với lợi ích lớn hơn khi giảm bớt tác động từ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và ngăn Iran bị cô lập thêm trên trường quốc tế, bà Vakil nói.
“Cách phản ứng cần phải được cân nhắc cẩn thận để không đóng sập cánh cửa đàm phán với phương Tây nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt”, bà Vakil cho biết.
Ông Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại tổ chức tư vấn Crisis Group, cũng nhận định kế hoạch trả đũa quân sự cũng có thể kéo theo nhiều rủi ro cho Tehran. Điều này có thể kích động phản ứng lớn hơn từ phía Israel và Tehran sẽ không thể kiểm soát chuỗi xung đột leo thang sau đó.
“Israel đã khiến Iran không có lựa chọn tốt trong tình huống này”, ông Vaez nói. Cả hai chuyên gia đều cho rằng rất khó để nhận biết ý định của Iran.
Iran có thể phản ứng như thế nào?
Theo New York Times, Iran có thể tấn công Israel từ nhiều hướng và dưới nhiều hình thức khác nhau. Tehran đã duy trì mạng lưới lực lượng ủy nhiệm gồm Hamas, Hezbollah và lực lượng dân quân Houthi ở Yemen, điều này cho phép họ tấn công các mục tiêu trải dài từ phía Bắc Israel đến Biển Đỏ.
Tuần trước, hai quan chức Israel và một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây cho biết dựa trên thông tin mới nhất, Hezbollah có khả năng sẽ tấn công riêng trước khi Iran thực hiện kế hoạch trả đũa.
Trước đó, Tehran đã tấn công Israel với khoảng 300 tên lửa và máy bay không người lái vào tháng 4, nhằm đáp trả cuộc tấn công được cho là của Israel vào khu phức hợp đại sứ quán của Iran. Hầu hết tên lửa và máy bay không người lái này đã bị hệ thống phòng không của Israel, với sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh khác, bắn hạ. Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran sau nhiều năm ngầm đối đầu với Israel trên bộ, biển, trên không và trong không gian mạng.
Cuộc tấn công vào tháng 4 đã gây thiệt hại cho một căn cứ không quân của Israel ở sa mạc Negev và làm một bé gái 7 tuổi bị thương nặng. Hiện nay, Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công với quy mô lớn hơn từ Iran.
Xe tăng của Israel ở Gaza hồi tháng 1. Ảnh: New York Times. |
Israel đang chuẩn bị như thế nào?
Chính quyền Israel đã yêu cầu người dân tích trữ thực phẩm và nước uống trong những nơi trú ẩn được gia cố an toàn. Các bệnh viện cũng đã lên kế hoạch chuyển bệnh nhân đến khu điều trị dưới lòng đất. Đồng thời, các đội cứu hộ đã được bố trí tại nhiều thành phố.
Từ cuộc tấn công hồi tháng 4, các nhà ngoại giao và quan chức an ninh Mỹ, Israel có thể phần nào đoán trước phạm vi và cường độ tấn công của Iran để chuẩn bị cho các biện pháp phòng thủ. Thời gian hai tuần kể từ vụ ám sát ông Haniyeh cũng cho phép Israel có thêm cơ hội chuẩn bị.
Tuần trước, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel đã “chuẩn bị cả kế hoạch phòng thủ và tấn công”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho rằng Iran và lực lượng Hezbollah có thể sẽ áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel bằng cách phóng hàng loạt tên lửa cùng lúc. Họ cũng có thể triển khai các đội máy bay không người lái ở độ cao thấp, khó bị phát hiện và tiêu diệt.
Mỹ và các nước khác đang phản ứng ra sao?
Suốt nhiều tháng, các nhà ngoại giao lo ngại những cuộc tấn công qua lại giữa Israel và Iran có thể leo thang thành một cuộc xung đột khu vực, làm phức tạp thêm cuộc chiến ở Gaza và giao tranh tại biên giới Israel - Lebanon. Do đó, họ đã nỗ lực ngăn chặn hoặc giảm thiểu phản ứng từ Iran.
Gần đây nhất, các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy đã kêu gọi Iran “rút lại” lời đe dọa trả đũa quân sự và tuyên bố ủng hộ Israel phòng thủ trước sự gây hấn của Iran. Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng đã điện đàm với tổng thống Iran với thông điệp tương tự.
Tuy nhiên, ông Kanaani, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, đã chỉ trích lời kêu gọi kiềm chế của Anh, Pháp và Đức, nói rằng Tehran có quyền bảo vệ chủ quyền của mình. Ông nói thêm rằng 3 nhà lãnh đạo châu Âu này đã phớt lờ “tội ác và khủng bố” của Israel đối với người Palestine và tại Trung Đông.
Ngoại trưởng Jordan, một đồng minh của Mỹ, cũng đã đến Tehran trong những ngày gần đây để tham gia các cuộc hội đàm. Tuần trước, Saudi Arabia đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) - diễn đàn của các quốc gia Hồi giáo - trong đó nước này gọi vụ ám sát ông Haniyeh là hành động vi phạm chủ quyền Iran, đồng thời kêu gọi các bên giảm căng thẳng.
Trong khi đó, Mỹ đã tăng cườn chuẩn bị về mặt quân sự. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III đã yêu cầu điều thêm máy bay chiến đấu, tàu chiến và một tàu ngầm trang bị tên lửa dẫn đường đến Trung Đông để đối phó với các mối đe dọa, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Israel và củng cố thông điệp rằng Washington sẽ hỗ trợ quân sự cho nước này.
Đồng thời, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã tìm cách khởi động lại các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza. Chính quyền Mỹ và Saudi Arabia đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc họp trong khu vực vào ngày 15/8 để thúc đẩy thỏa thuận. Israel thông báo sẽ cử các nhà đàm phán tham gia cuộc họp, song lực lượng Hamas chưa xác nhận có tham gia hay không.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...