Yahya Sinwar tại Thành phố Gaza vào tháng 4/2023. Ảnh: New York Times. |
Vụ hạ sát Yahya Sinwar, thủ lĩnh Hamas, người đứng sau quyết định tấn công Israel hơn một năm trước, có thể là chìa khóa để chấm dứt cảnh đổ máu ở Trung Đông. Sau khi triệt hạ dàn lãnh đạo Hamas ở Gaza, Israel có thể tuyên bố chiến thắng, còn Hamas có thể linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Giới phân tích đánh giá bất chấp những lời khẳng định tiếp tục chiến đấu, Hezbollah, Hamas và các lực lượng ủy nhiệm khác của Iran có thể đều đang tìm kiếm lối thoát.
"Tất cả đều rất muốn tìm lối thoát", Michael Wahid Hanna, chuyên gia về Trung Đông tại tổ chức Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói. "Đây là tình hình khó khăn đối với toàn bộ khu vực".
Nhưng vấn đề ngừng bắn hiện phụ thuộc rất lớn vào Israel và Hamas. Trong khi đó, Israel liên tục có động thái leo thang trong thời gian qua như đưa quân vào Lebanon, tấn công Yemen và Syria, ám sát lãnh đạo cấp cao Hamas và Hezbollah, mở đợt tấn công lớn ở phía bắc Gaza, và sắp tới là kế hoạch tấn công trả đũa vào Iran.
Hamas và Hezbollah vẫn nói cứng
Hiện nay, Iran và đồng minh vẫn có năng lực tấn công gây ra hậu quả nặng nề cho Israel. Đặc biệt, các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hezbollah và một số nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq đã thể hiện thái độ không lùi bước sau cái chết của Sinwar.
"Phe kháng chiến sẽ tạo ra không chỉ hàng trăm mà là hàng nghìn người như Sinwar để trả thù những kẻ đã giết hại ông ấy", Kadhim al-Fartousi, người phát ngôn của Sayyid al-Shuhada, nhóm vũ trang Iraq có liên hệ với Iran, cho biết.
Nhưng cái chết của ông Sinwar nhiều khả năng sẽ không kéo theo phản ứng lớn từ Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm. Một phần là do sự kiện này hoàn toàn nằm trong dự liệu, theo các nhà phân tích. Ngoài ra, ông Sinwar chết tại Gaza nên không khiến Iran bẽ mặt như vụ cựu thủ lĩnh Ismail Haniyeh bị ám sát ngay tại Tehran.
Người dân tập trung tại Tehran để dự tang lễ của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh. Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát ông Haniyeh. Ảnh: Arash Khamooshi/New York Times. |
Nói với New York Times, một chỉ huy cấp cao trong lực lượng dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn nhận định: Iran và đồng minh đã phải chịu thiệt hại nặng vì Hamas luôn cố chấp theo đuổi lý tưởng của người Palestine, kéo theo toàn bộ khu vực vào biển lửa.
Người này tin rằng vụ ám sát ông Sinwar sẽ khiến khu vực bắt đầu bình tĩnh lại.
Iran ngay từ đầu đã không muốn chiến tranh toàn diện với Israel, ít nhất là không phải sau sự kiện ngày 7/10, các nhà phân tích và các quan chức Mỹ theo dõi cuộc xung đột cho biết.
Iran ban đầu từ chối theo bước Hamas tấn công vào Israel. Mặc dù sau đó cũng tung đòn đáp trả các cuộc tập kích của Israel trên lãnh thổ mình, Tehran tới nay vẫn chưa có hành động trả đũa ở mức độ có thể buộc Israel phải đáp trả mạnh tay, các nhà phân tích và quan chức cho biết.
Iran cũng muốn cố gắng giảm thiểu thiệt hại đối với các lực lượng ủy nhiệm được họ dày công xây dựng nhiều năm qua. Những nhóm này được cho là sẽ giúp bảo vệ Iran nhưng hiện lại trở thành nguyên nhân khiến họ bị tấn công.
"Tôi cảm thấy rằng người Iran đang tìm kiếm không gian thở và khoảng lặng", Ellie Geranmayeh, nhà phân tích Iran tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, cho biết.
Người biểu tình ủng hộ gia đình có người thân bị bắt giữ làm con tin ở Gaza tập trung bên ngoài Bộ Quốc phòng Israel ở Tel-Aviv. Ảnh: New York Times. |
Israel vẫn chưa từ bỏ
Bà Geranmayeh chỉ ra rằng Iran có thể tìm cách giảm leo thang như thúc giục bộ máy lãnh đạo còn lại của Hamas ở Gaza không trả thù cho ông Sinwar bằng cách hành quyết số con tin Israel còn ở Gaza.
Yếu tố con tin có vai trò quan trọng trên phương diện chính trị ở cả Israel và Washington. Cái chết của họ sẽ càng làm giảm cơ hội ngừng bắn.
Giới phân tích cho biết nếu bộ máy lãnh đạo Hamas quyết định chấp thuận lệnh ngừng bắn, cả Iran và các đối tác, bao gồm cả Hezbollah, đều khó có thể phản đối.
Rốt cục thì “Israel sẽ nắm quyền quyết định xem có nên tiếp tục leo thang hay không, hay là họ sẽ tuyên bố chiến thắng, củng cố lực lượng và hạ nhiệt tình hình", ông Emile Hokayem, chuyên gia phân tích an ninh Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói.
Nhưng đến nay, Israel vẫn không tỏ ra sẽ từ bỏ.
Nếu Iran và các đồng minh "có thể đạt được lệnh ngừng bắn ngay bây giờ, tôi không nghĩ họ sẽ nói không", Maha Yahya, Giám đốc Trung tâm Carnegie Trung Đông tại Beirut, Lebanon, cho biết. "Mọi người đều muốn mọi chuyện đến đây là kết thúc. Ngoại trừ ông Benjamin Netanyahu".
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...