Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên đầu tuần tăng điểm khi các chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, đà tăng mạnh buổi sáng bị thu hẹp vào phiên chiều trước áp lực chốt lời.
Chốt phiên giao dịch 13/4, VN-Index tăng 8 điểm (1%), lên 766 điểm. HNX-Index có thêm 1%, kết thúc ngày ở mức 107 điểm. UPCoM-Index cũng tăng nhẹ 0,5%.
Trên sàn TP.HCM, tỷ lệ mã tăng/giảm điểm là 230/119, sắc xanh bao trùm thị trường với nhiều nhóm ngành. Trong rổ VN30, 21 mã đóng cửa trong sắc xanh và chỉ 5 mã giảm.
Trước thông tin OPEC và các đồng minh thông qua việc cắt giảm sản lượng, cổ phiếu nhóm dầu khí phản ứng tích cực. POW (PV Power) tăng 3%, GAS (PV Gas) tăng 1%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng hôm nay cũng có phiên giao dịch khả quan. VPB (VPBank) tăng trần sau thông tin con trai CEO ngân hàng này đăng ký mua 12 triệu cổ phiếu. Các mã khác như VCB (Vietcombank), CTG (Vietinbank), BID (BIDV), MBB (MBBank) cùng tăng khoảng 1%; TCB (Techcombank) tăng 3%.
Nhóm cổ phiếu hàng không khởi sắc sau chuỗi ngày giảm sâu. HVN (Vietnam Airlines) tăng hết biên độ trong khi VJC (Vietjet) cũng tăng 6%. ACV, AST (Taseco) cũng tiếp tục phục hồi, đóng phiên trong sắc xanh.
Diễn biến của VN-Index từ đầu năm. Ảnh: VNDS. |
Ở chiều ngược lại, một số mã bluechip diễn biến tiêu cực hôm nay trước áp lực bán ở mức giá cao, điển hình là MSN (Masan) giảm 4%, VNM (Vinamilk) và PLX (Petrolimex) cùng giảm 1%.
Thanh khoản toàn thị trường hôm nay đạt giá trị khớp lệnh hơn 3.060 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn không cho thấy tín hiệu tích cực khi duy trì mạch bán ròng. Tổng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài hôm nay trên cả 3 sàn hơn 270 tỷ đồng.
“Nhà đầu tư tiếp tục hào hứng mua vào cổ phiếu, giúp kéo dài chuỗi ngày tăng điểm của thị trường. Các mã tăng trải rộng qua nhiều nhóm ngành, tập trung hơn vào những cổ phiếu đã giảm sâu và chưa tăng nhiều trong thời gian qua. Trong khi đó, những cổ phiếu tăng nóng trước đó có dấu hiệu hạ nhiệt”, VDSC nhận định và khuyến nghị nhà đầu tư không nên quá hưng phấn.
Theo phân tích kỹ thuật của MBS, thị trường đã tăng 11 phiên trong 13 phiên gần đây, một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã cho tín hiệu tạo đỉnh ngắn hạn sau chuỗi tăng vừa qua. "Nhịp rung lắc có thể xảy ra ở khu vực kháng cự 770-775 điểm", MBS đánh giá.
Trái với Việt Nam, nhiều nước châu Á trải qua phiên giao dịch đầu tuần ảm đạm. Nhật Bản là thị trường giảm mạnh nhất khu vực khi Nikkei 225 mất 2,3%. Tại Hàn Quốc, Kospi sụt 1,9%. Hai chỉ số Shanghai Compostie và Shenzhen Component của Trung Quốc cũng lần lượt giảm 0,5% và 0,7%.