Trong văn bản mới đây báo cáo Thủ tướng về tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, UBND TP.HCM đã liệt kê hàng loạt khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp du lịch thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng
Theo báo cáo nhanh của 50 doanh nghiệp lữ hành, tổng số khách phục vụ 2 tháng đầu năm giảm 62%, doanh thu giảm 65% so với cùng kỳ. Tổng số khách hủy chương trình tham quan và các dịch vụ du lịch là gần 88.000 người, thiệt hại doanh thu ước tính 920 tỷ đồng.
Nhiều khách sạn 3-5 sao tại TP.HCM sụt giảm doanh thu từ 40% trở lên. Tỷ lệ cắt giảm nhân sự bình quân là 9,5%, có cơ sở lưu trú cắt giảm đến 25% nhân sự.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ đang phải trả mức lãi vay ngân hàng khá cao so với tỷ suất lợi nhuận trong điều kiện hiện tại.
Một số ngành hàng phụ thuộc lớn thị trường Trung Quốc về nguyên vật liệu như cao su - nhựa, dệt may, da giày phải tìm nguồn cung thay thế với giá cao hơn, thời gian giao hàng lâu hơn. Việc thiếu nguồn cung từ Trung Quốc cũng đẩy giá nguyên phụ liệu trên toàn cầu tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu đã ký.
Hệ thống bán lẻ Saigon.Coop gồm chuỗi siêu thị Co.opmart gặp nhiều khó khăn khi sức mua giảm nhưng các chi phí để duy trì hoạt động lại tăng như chi phí lao động, hàng hóa, vận chuyển. Thêm vào đó, siêu thị phải tăng lượng hàng tồn kho với nhóm hàng thiết yếu nhằm đủ sức ứng phó với các tình huống xấu hơn.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM gặp khó. Ảnh: Duy Anh. |
Kiến nghị giảm thuế, hoãn nộp tiền thuê đất
Trước một loạt khó khăn kể trên, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố trên nhiều phương diện.
TP.HCM kiến nghị giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, đề xuất lùi thời gian nộp thuế sang quý III hoặc quý IV.
TP.HCM cũng kiến nghị hỗ trợ miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực nêu trên với mức giảm 50% thuế giá trị gia tăng, 50% thuế thu nhập doanh nghiệp, 50% thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh.
Về chính sách giảm tiền thuê đất, TP.HCM đề xuất xem xét, hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020-201, đồng thời hoãn nộp tiền thuê đất sang đầu năm 2021.
Với chính sách tài chính, tín dụng, TP.HCM kiến nghị giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu; giảm lãi suất với cả các khoản đã vay và khoản vay mới; lãi suất vay ưu đãi thấp hơn ít nhất 30% so với lãi suất theo quy định thông thường.
Ngoài ra, TP kiến nghị giảm 50% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
TP.HCM cũng đề nghị Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9h30-11h30). Trước mắt, điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm từ tháng 3 đến tháng 5.
Sau khi hết dịch Covid-19, TP.HCM đề xuất Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Australia, New Zealand, Ấn Độ, Canada, Áo, Hà Lan để giúp các doanh nghiệp mở được thị trường mới trong bối cảnh các thị trường truyền thống bị ngưng trệ.
Đồng thời, năm 2020 Việt Nam làm chủ tịch ASEAN nên có thể tăng cường liên kết với các nước trong khối ASEAN xây dựng chính sách visa nhiều quốc gia một điểm đến.