Tính đến phiên giao dịch 16/3, khối ngoại đã bán ròng 25 phiên liên tiếp trên sàn HoSE với tổng giá trị hơn 5.500 tỷ đồng. Sau khi FED công bố hạ lãi suất, các nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán Việt chưa cho thấy dấu hiệu dừng bán ròng.
Theo báo cáo phân tích mới đây của công ty chứng khoán KBSV, Việt Nam không phải là thị trường duy nhất trong khu vực chứng kiến dòng vốn của các nhà đầu tư ngoại tháo chạy từ đầu năm đến nay do lo ngại tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá trị bán ròng tại Philppines là 434 triệu USD, Thái Lan 2,2 tỷ USD, Malaysia 1,1 tỷ USD. “Xu hướng rút ròng này là một trong những nguyên nhân chính khiến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam lao dốc mạnh trong bối cảnh dòng tiền trong nước tham gia khá dè dặt”, chuyên gia của KBSV nhận định.
Theo KBSV, một điểm dễ nhận thấy trong các giai đoạn khối ngoại bán ròng trong khoảng thời gian dài trước đây là VN-Index chỉ có thể tạo đáy và hồi phục bền vững khi xu hướng bán ròng kết thúc trừ khi có các động lực riêng.
Những yếu tố này có thể kể đến như thông tin thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp, nhóm cổ phiếu dầu khí hồi phục cùng xu hướng giá dầu.
Đối với giai đoạn bán ròng hiện tại, KBSV cho rằng dòng vốn khó có thể đảo ngược trong tương lai gần nếu không xuất hiện các thông tin hỗ trợ cụ thể như dịch bênh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu cho thấy khả năng hồi phục rõ rệt.
Báo cáo của KBSV cũng nhìn nhận việc các Ngân hàng Trung ương tăng cường các chính sách kích thích kinh tế là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, hiện dư địa nới lỏng chính sách của các Ngân hàng Trung ương không còn lớn như giai đoạn hậu khủng hoảng 2008-2009.
Điều này đồng nghĩa với việc tác động của các chính sách này sẽ bị hạn chế đáng kể và khó có thể là động lực giúp xu hướng rút vốn ròng được đảo ngược.
Bên cạnh đó, đối với các động lực thu hút vốn ngoại trong nước như thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ khó có thể được đẩy mạnh.
Trong báo cáo cập nhật tác động của việc FED hạ lãi suất xuống gần mức 0% với thị trường chứng khoán Việt Nam, KBSV cũng đánh giá ảnh hưởng từ động thái của FED đến thị trường là không đáng kể và sẽ không giúp dòng vốn ngoại đảo ngược xu hướng bán ròng hiện tại.
“Diến biến thị trường chứng khoán toàn cầu sau khi FED có các động thái hạ lãi suất trong 2 tuần đầu tháng 3, kết hợp với các quan sát trong quá khứ, cho thấy các tác động tích cực là khá hạn chế”, báo cáo phân tích.
Nhìn lại dữ liệu trong quá khứ, KBSV nhận thấy từ cuối 2015 đến nay, giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có tương quan cao với lãi suất điều hành của FED.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh mua ròng trên thị trường Việt trong giai đoạn FED tăng lãi suất (cuối 2015 đến cuối 2018) và bán ròng trong giai đoạn còn lại khi FED hạ lãi suất.
“Do trong các giai đoạn FED tăng lãi suất, nhà đầu tư ngoại gia tăng niềm tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, qua đó dòng tiền có xu hướng hướng đến các tài sản mang tính rủi ro và ngược lại”, chuyên gia từ KBSV nêu quan điểm.
Thận trọng sau tuần lễ đáng quên của chứng khoán Việt
"Rủi ro hiện vẫn ở mức rất cao và việc nỗ lực tìm đáy của thị trường chỉ phù hợp với các nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức độ chấp nhận rủi ro cao", báo cáo của VnDirect cho hay.
Lãnh đạo DN dự chi hàng trăm tỷ gom cổ phiếu khi chứng khoán lao dốc
Tuần qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu khi thị trường chứng khoán giảm điểm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đăng ký mua cổ phiếu quỹ.
Quốc Cường Gia Lai, FLC 'ngược dòng' trên sàn chứng khoán
Trong khi thị trường liên tục đi xuống, cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai và một số công ty liên quan đến FLC tăng trần trong hơn 10 phiên giao dịch liên tiếp.