Sau một tuần chìm trong sắc đỏ, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đà giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần 16/3.
Kết phiên, VN-Index còn 748 điểm, mất 14 điểm với mức giảm tương ứng 1,8% so với cuối tuần trước. Trên sàn TP.HCM, 239 mã giảm điểm và 133 mã tăng điểm.
Nhiều cổ phiếu trụ cột của thị trường tiếp tục bị bán mạnh. PNJ, VPB (VPBank), SBT (Thành Thành Công) giảm sàn. Trong danh mục VN30, chỉ 4 mã GAS (Khí Việt Nam), PLX (Petrolimex), HPG (Hòa Phát), SAB (Sabeco) tăng điểm trong khi có tới 24 mã giảm giá.
Trái ngược với đà đi xuống chung của thị trường, một số cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng mạnh trong hôm nay, kèo dài chuỗi phiên giao dịch tăng trần.
Tâm điểm của nhóm các cổ phiếu ngược dòng là QCG (Quốc Cường Gia Lai). Phiên 16/3 là phiên giao dịch thứ 13 liên tiếp QCG tăng trần từ hôm 27/2.
Thị giá hiện tại của QCG là 8.920 đồng/cổ phiếu, tăng 140% so với thời điểm cách đây hơn hai tuần. Trong thời gian này, trung bình 1 triệu cổ phiếu QCG được sang tay mỗi phiên và tất cả đều được khớp lệnh qua sàn.
Biến động giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai 3 tháng qua. Ảnh: VnDirect. |
Đà tăng ấn tượng của QCG giúp giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan tăng thêm 500 tỷ đồng trong chưa đầy ba tuần.
Cổ phiếu của Quốc Cường Gia Lai tăng mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp năm 2019 chưa có nhiều tín hiệu khả quan khi lợi nhuận sau thuế giảm 20% còn 81 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tháng hai, xuất hiện 2 thông tin quan trọng hỗ trợ QCG.
Đầu tiên, cổ phiếu QCG được đưa ra khỏi diện cảnh báo vào đầu tháng 2 sau khi doanh nghiệp khắc phục những vi phạm trong việc công bố thông tin.
Quan trọng hơn, đà tăng mạnh của QCG bắt đầu sau hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo TP.HCM vào cuối tháng 2. Tại đây, lãnh đạo TP.HCM đã bày tỏ quyết tâm sẽ sớm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về pháp lý cho các doanh nghiệp.
Trong số 6 dự án còn ách tắc của Quốc Cường Gia Lai có thể được gỡ vướng pháp lý, dự án lớn nhất là Khu dân cư Phước Kiển tại huyện Nhà Bè với diện tích 91 ha. Bà Như Loan cho biết nếu được triển khai, dự án Phước Kiển có thể đem lại doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai.
Một cổ phiếu cũng có hơn 10 phiên tăng trần liên tục là AMD của Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone.
Từ phiên giao dịch ngày 27/2 đến nay, AMD đã có 12 phiên tăng trần, trong đó 11 phiên tăng trần liên tiếp từ 2/3. Thị giá hiện tại của AMD là 4.550 đồng/cổ phiếu, tăng 130% so với cách đây hơn 2 tuần.
Biến động giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu của FLC Stone 3 tháng qua. Ảnh: VnDirect. |
Thời gian qua, thông tin đáng chú ý duy nhất xuất hiện với AMD là Công ty FLC Stone sẽ sáp nhập vào một doanh nghiệp khác liên quan Tập đoàn FLC là Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB).
Trong khi giá của AMD chưa đến 5.000 đồng/cổ phiếu thì giá giao dịch hiện tại của GAB rất cao, lên tới gần 140.000 đồng/cổ phiếu. Mới đây, ông Trịnh Văn Quyết vừa mua vào 1,1 triệu cổ phiếu GAB để trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu 8% vốn.
Bên cạnh AMD, một cổ phiếu trong họ FLC là HAI (Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I) cũng tăng trần 9/11 phiên giao dịch từ ngày 2/3 đến nay, kéo theo thị giá từ 2.540 đồng tăng lên 4.280 đồng/cổ phiếu. Tập đoàn FLC đang nắm 12,7% vốn của H.A.I.