Trong văn bản đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động của doanh nghiệp, Vụ Dầu khí và Than thuộc Bộ Công Thương cho biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến giá dầu trên thế giới.
Doanh thu thiệt hại hơn 2 tỷ USD
Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh 2020 với phương án giá dầu thô 60 USD/thùng đã được thông qua, chỉ tiêu của PVN năm nay đạt doanh thu bán đầu 4,7 tỷ USD và nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô 1,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, do việc giá dầu Brent hiện tại (giao trong tháng 4-5) đã bị kéo xuống mức 29 USD/thùng nên giá dầu của Việt Nam thấp hơn kế hoạch 30 USD/thùng.
PVN tính toán nếu giá dầu trung bình cả năm giảm còn 30 USD/thùng, doanh thu bán dầu của tập đoàn sẽ giảm khoảng 2,35 tỷ USD, nộp Ngân sách Nhà nước từ dầu thô cũng giảm 800 triệu USD.
Với hoạt động khai thác khí, các nguồn khí tại Việt Nam có sản lượng và giá xác định theo từng mỏ và đã được ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn nên ít bị ảnh hưởng hơn bởi sự biến động của giá dầu. Riêng những mỏ khi có giá neo theo giá dầu thô, doanh thu sụt giảm.
Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu trong nước cũng chịu tác động lớn khi giá dầu giảm sâu là giá sản phẩm xăng dầu giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cũng đã giảm trên 30% do dịch Covid-19.
PVN cho biết hiện tồn kho xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đang rất cao, khoảng 70-80%.
Do tồn kho và khoảng chênh lệch giữa giá sản phẩm với giá dầu thô thấp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) lỗ 313 tỷ đồng trong tháng 2. Lũy kế 2 tháng, số lỗ là 228 tỷ đồng.
PVN đứng trước kịch bản tiêu cực vì giá dầu thế giới giảm mạnh |
Tận dụng cơ hội mua dầu thô
PVN cho biết với giá dầu thô khoảng 30 USD/thùng như hiện nay, nhiều lô hợp đồng dầu khí sau khi nộp các loại thuế, doanh thu không đủ bù chi phí.
Tuy nhiên, do đặc thù của các hoạt động dầu khí ngoài khơi thường có các hợp đồng dài hạn nên nếu dừng sản xuất vẫn phải chi trả chi phí khiến nhà thầu càng thiệt hại lớn hơn.
Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, sau khi dừng sản xuất thời gian dài, lúc khôi phục lại sản xuất, sản lượng thường bị sụt giảm do giếng bị nhiễm bẩn, ngập nước. Vì vậy, chưa có nhà thầu nào đề xuất đóng mỏ.
Ngoài ra, trong các hợp đồng dầu khí, phần thu của nước chủ nhà (thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu dầu thô, thuế thu nhập doanh nghiệp) thường chiếm 30-40% doanh thu toàn dự án. Việc dừng khai thác các mỏ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu thuế. Với các lý do trên, PVN cho rằng vẫn cần cố gắng duy trì khai thác tại hầu hết dự án.
PVN kiến nghị giãn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất khẩu dầu cho các dự án khai thác dầu khí, tạm hoãn nghĩa vụ trích quỹ thu dọn mỏ với một số lô dầu khí, dừng khai thác tận thu theo cơ chế điều hành phi lợi nhuận và tiến hành thu dọn mỏ sông Đốc.
Đồng thời, PVN đề xuất cho phép BSR được sử dụng công cụ phái sinh để tận dụng cơ hội mua dầu thô cho 6 tháng cuối năm 2020 và 2021 trong thời điểm hiện nay; đưa một lượng dầu thô và sản phẩm tồn kho của BSR vào dự trữ quốc gia.
Ngoài ra, tập đoàn cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cấp có thẩm quyền xử lý sớm, giải tỏa tiền gửi của BSR tại ngân hàng Oceanbank để thanh toán dầu thô, trả nợ vay và các chi phí khác; đề xuất Bộ Tài chính cho phép giãn thời gian nộp thuế và được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn lưu động bị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá dầu giảm mạnh.