Từ khi được công ty cho phép làm việc tại nhà trong tuần này, Minh Quân (29 tuổi, TP.HCM) làm bạn với các ứng dụng gọi đồ ăn hàng ngày.
Để hạn chế việc tiếp xúc, Quân đeo khẩu trang mỗi khi nhận đồ từ tài xế và thanh toán qua thẻ. Dù chưa hoàn toàn an tâm nhưng với một người không tự nấu ăn như anh, đây vẫn là lựa chọn tốt hơn so với việc đến ăn tiệm.
Trưa 20/3, khi đặt đồ ăn, Quân bất ngờ khi được GrabFood giới thiệu tính năng giao hàng gián tiếp.
Theo đó, khách hàng có thêm tùy chọn điểm giao món trước cửa nhà, tại quầy tiếp tân của toà nhà hoặc vị trí thuận tiện cho việc nhận món. Khách sẽ thông báo cho tài xế địa điểm muốn nhận món qua tin nhắn hoặc cuộc gọi trên ứng dụng.
Tài xế giao hàng sẽ đặt thức ăn tại vị trí được khách chỉ định và chờ ở khoảng cách 2-3 mét hoặc đặt thức ăn trên túi giao hàng và lùi về sau 2-3 mét để đảm bảo an toàn nếu khách hàng yêu cầu.
Grab cũng khuyến nghị khách hàng thanh toán bằng ví điện tử hoặc thẻ tín dụng để hạn chế tiếp xúc. Nếu thanh toán tiền mặt, khách hàng có thể để phong bì tiền tại địa điểm nhận món ăn.
Đại diện Grab đánh giá tính năng mới trên là biện pháp đảm bảo sức khỏe cho khách hàng và tài xế khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tính năng này đã được hãng áp dụng tại Indonesia, Singapore, Philippines và Thái Lan.
Ứng dụng này đồng thời khuyến nghị tài xế thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc xà phòng trước và sau khi giao nhận đơn hàng; khuyến cáo đối tác nhà hàng tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc đeo khẩu trang, găng tay, khử trùng, khử khuẩn mùa dịch.
Nhân viên một nhà hàng tại quận 1 giúp tài xế xịt khử khuẩn trước khi lấy món ăn đi giao. Ảnh: Chí Hùng. |
Một đơn vị lớn khác trên thị trường giao đồ ăn là GoViet cũng thông tin đang triển khai nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức của tài xế, khách hàng và nhà hàng khi sử dụng dịch vụ giao đồ ăn.
Theo GoViet, tài xế là đối tượng thường xuyên tiếp xúc nhiều người nên hãng chủ động liên tục gửi thông tin cập nhật thông qua ứng dụng và mạng xã hội về những lưu ý, khuyến cáo chung của Bộ Y Tế liên quan cách phòng chống dịch.
Ứng dụng này cũng cho hay đã tích cực kêu gọi các nhà hàng thực hiện một số biện pháp như kiểm tra thân nhiệt của nhân viên mỗi ngày; ghi lại lịch sử làm việc của nhân viên để hỗ trợ việc tìm hiểu lịch sử tiếp xúc khi cần thiết; đảm bảo nhân viên rửa tay khử khuẩn trước khi chạm vào thức ăn; cung cấp dung dịch rửa tay cho khách hàng, nhân viên và tài xế đến lấy hàng; đảm bảo thức ăn được đóng gói kín và an toàn.
GoViet khẳng định đang phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan và với đối tác nhà hàng nhằm nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của từng cửa hàng và có các biện pháp hỗ trợ cần thiết khi tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp hơn.
Trao đổi với Zing.vn, cả đại diện Grab và GoViet đều không tiết lộ mức tăng trưởng cụ thể của dịch vụ giao thức ăn trong thời gian qua. Phía GoFood chỉ chia sẻ lượng đơn hàng tăng so với thời điểm sau Tết và cùng kỳ, trong khi GrabFood cho biết ghi nhận sự ổn định về mức tăng trưởng.