Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán giằng co, cổ phiếu hàng không 'cất cánh'

VN-Index tăng 0,5%, đóng cửa ở 781 điểm sau phiên giao dịch 16/4 với nhiều lần đảo chiều. Nhóm hàng không diễn biến tích cực khi các hãng được tăng tần suất bay.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay giằng co trong ngày đầu tiên thực hiện việc kéo dài cách ly xã hội tại Hà Nội và TP.HCM và một số tỉnh, thành có nguy cơ cao với dịch bệnh Covid-19.

VN-Index phiên 16/4 mở cửa trong sắc đỏ với mức giảm hơn 4 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư không thể hiện tâm lý bi quan và tiếp tục mua vào giúp thị trường cân bằng trở lại và quay về mốc tham chiếu cuối phiên sáng.

Trong phiên chiều, diễn biến tích cực hơn khi VN-Index hướng đến vùng 780 điểm nhưng bị nhịp điều chỉnh sau đó kéo xuống. Đến những phút cuối cùng, thị trường lại làm nhà đầu tư ngạc nhiên khi đảo chiều.

Chốt phiên 16/4, VN-Index tăng 0,5%, đóng cửa ở 781 điểm với số lượng mã tăng-giảm là 185-172. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,4% sau một phiên giằng co. UPCoM-Index tăng 0,1%.

chung khoan anh 1

Biến động các chỉ số chính của thị trường phiên 16/4. Ảnh: SSI.

Cổ phiếu của hai hãng hàng không là VJC (Vietjet) và HVN (Vietnam Airlines) hôm nay tăng 5% và 1%. Cổ phiếu của Tổng công ty Cảng hàng không ACV cũng tăng 1%. Đà tăng của nhóm hàng không đến sau thông tin các hãng tăng tần suất khai thác các đường bay nội địa từ 16/4.

Nhóm cổ phiếu ngành thép gồm các mã HPG (Hòa Phát) tăng 1%, NKG (Nam Kim) tăng 2% và ngành xây dựng hạ tầng như CTD (Coteccons) tăng 5%, CII tăng 7%, diễn biến tích cực trước kỳ vọng Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng.

Nhóm ngân hàng có sự phân hóa khi HDB (HDBank) tăng 2%, MBB (MBBank) và ACB tăng 1%. BID (BIDV), TCB (Techcombank), VPB (VPBank), EIB (Eximbank) đứng giá. Trong khi đó, TPB (TPBank) và SHB giảm 1%.

Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 4.700 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với giá trị 215 tỷ đồng, không biến động nhiều so với phiên trước. Lực bán của khối ngoại tập trung vào VIC (Vingroup) - 40 tỷ, VNM (Vinamilk) - 36 tỷ, BID - 24 tỷ.

Theo thống kê của Mirae Asset, sau nhịp hồi phục mạnh từ vùng 650 lên mức 760, VN-Index trong những phiên gần đây có mức biến động nhỏ hơn. Cụ thể, mức tăng trung bình 5 phiên gần nhất là 4 điểm/phiên so với mức hơn 15 điểm/phiên của 6 phiên trước.

“Dấu hiệu "dòng tiền thông minh" đã bắt đầu tìm đến những nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình có mức định giá (P/E) thấp và ít chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh và hoạt động bán ròng của khối ngoại”, chuyên gia của công ty phân tích.

Các thị trường châu Á hôm nay diễn biến trái ngược. Ở Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 1,3%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng giảm 0,6%. Thị trường Trung Quốc diễn biến ngược lại khi Shanghai Composite và Shenzhen Component tăng 0,3% và 0,5%. Riêng chỉ số Kospi tại Hàn Quốc không biến động.

Chứng khoán Mỹ hôm qua giảm trung bình 2%. Chốt phiên 15/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,9%, S&P 500 mất 2,2% còn Nasdaq Composite cũng sụt 1,4%. Đây là phiên giao dịch tệ nhất của Dow Jones và S&P 500 từ 1/4.

Chứng khoán Việt Nam tăng ngược dòng châu Á

VN-Index hôm 13/4 có ngày tăng điểm thứ 11 trong 13 phiên giao dịch gần nhất. Đà tăng lan tỏa nhiều nhóm ngành, sắc xanh bao phủ thị trường.

Việt Đức

Bạn có thể quan tâm