Ngay từ tháng 2, khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu miễn giảm lãi suất cho những nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng đã sớm tham gia với nhiều gói tín dụng lớn có lãi suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp.
Dù vậy, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến ngày 20/3 đạt mức khiêm tốn 0,68%.
Chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhu cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ba ngân hàng bứt phá
Theo báo cáo phân tích về ngành ngân hàng của công ty chứng khoán SSI, đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019 (dao động từ 1,25% tới 2,81%).
Tăng trưởng tín dụng chậm được ghi nhận tại 3 ngân hàng thương mại quốc doanh Vietcombank, Vietinbank, BIDV và một số ngân hàng thương mại như MBBank và ACB.
"Điều này có thể xuất phát từ việc những ngân hàng này thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai”, SSI Research phân tích.
Trong bối cảnh đó, báo cáo cho biết 3 ngân hàng VPBank, HDBank và TPBank bứt phá so mặt bằng chung với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao. VPBank có mức tăng khoảng 4,8% và HDBank tăng 5% đến hết tháng 2. Với TPBank, tăng trưởng tín dụng đạt 9% đến tháng 3.
“Chúng tôi nhận thấy VPBank và TPBank đặc biệt tích cực trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp. Đối với HDBank, mức tăng trưởng tín dụng khá cao nhờ các thỏa thuận cho vay với một số khách hàng doanh nghiệp đã được ký vào cuối 2019”, báo cáo lý giải.
Đến nay, các ngân hàng đã tiếp tục công bố nhiều gói tín dụng mở rộng để đồng hành khách hàng vượt qua mùa dịch. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ các nhà băng bằng việc giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, giảm phí giao dịch liên ngân hàng.
Trong bối cảnh cầu tín dụng yếu, Ngân hàng Nhà nước đã giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đầu 2020 cho nhiều ngân hàng thấp hơn với mức phổ biến 2-3% so với cùng kỳ 2019.
Nguồn: VDSC. |
“Việc này sẽ giúp hướng tín dụng vào những lĩnh vực an toàn hơn, tránh nguy cơ các ngân hàng đẩy cho vay vào các phân khúc rủi ro cao và giảm mức độ cạnh tranh về huy động tiền gửi, nhờ đó giảm lãi suất huy động và tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Việc giảm lãi suất đầu vào sẽ giúp phần nào bù đắp cho các ngân hàng khi phải hạ lãi suất đầu ra”, VDSC đánh giá.
Với kịch bản dịch sẽ được kiểm soát trong quý II và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục từ quý III, thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay, VDSC giả định Ngân hàng Nhà nước có thể nới thêm 2-3% hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng có thể thấp hơn 2-3% so với năm 2019.
Ảnh hưởng từ quý II
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu phức tạp từ tuần thứ hai của tháng 3. Do đó, SSI Research ước tính tác động của dịch đối với kết quả kinh doanh của hầu hết ngân hàng trong quý I không lớn ngoại trừ một số nhà băng chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Tuy nhiên, công ty này cho rằng trong quý II, thu nhập lãi, thu nhập từ phí, thu hồi nợ xấu sẽ sụt giảm khi các ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
Các chuyên gia phân tích của SSI Research đưa ra kịch bản cơ sở khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng năm nay sẽ tăng trưởng ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Nguồn: SSI Research. Đồ họa: Việt Đức. |
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank, Vietinbank, BIDV năm 2019 tăng trưởng lần lượt 26,6%, 75%, 13,3%. Nhưng với kịch bản dự báo của SSI, mức tăng trưởng năm nay của 3 ngân hàng quốc doanh có thể chỉ đạt 4,2%, 3,2%, 10,9% tương ứng.
Với 3 nhà băng còn lại cán mốc lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng năm qua là Techcombank, VPBank và MBBank, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2020 có thể giảm còn 6,7%, 11%, 9,3%. Cùng kỳ 2019, con số tăng trưởng của 3 ngân hàng này lần lượt là 20,4%, 12,3% và 29,2%.