Chứng khoán trong nước ngày 8/4 có phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp tuy nhiên đà hưng phấn không còn tiếp tục.
Trong suốt phiên giao dịch, áp lực chốt lời mạnh khiến VN-Index hầu như ở dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên đến cuối phiên, lực cầu mạnh thắng thế đã giúp VN-Index đảo chiều, tăng nhẹ 0,2% lên 748 điểm.
Trên sàn Hà Nội, diễn biến cũng tương tự sàn TP.HCM khi HNX-Index trong sắc đỏ hầu hết ngày giao dịch nhưng bật tăng vào cuối phiên. Đóng cửa phiên hôm nay, HNX-Index tăng 0,5%. Trong khi đó, chỉ số đại diện sàn UPCoM giảm 0,2%.
Trên sàn HoSE, độ rộng thị trường không nghiêng hẳn về một bên với 170 mã tăng, 184 mã giảm và 62 mã đứng giá. Tại sàn HNX, tỷ lệ mã tăng - giảm tương ứng là 66 - 72.
Nhóm VN30 có sự phân hóa lớn trong phiên hôm nay. Những cổ phiếu hỗ trợ quan trọng nhất cho thị trường là VHM (Vinhomes) tăng 6%, BID (BIDV) tăng 3%, MSN (Masan) tăng 2%, POW (PV Power) tăng 7%, VNM (Vinamilk) tăng 1%.
Giao dịch tích cực của nhóm trên đã lấn át áp lực giảm giá của các mã VIC (Vingroup) giảm 3%, VCB (Vietcombank) giảm 1%, VPB (VPBank) giảm 3%, TCB (Techcombank) giảm 1%, HPG (Hòa Phát) giảm 2%.
Đà phục hồi của VN-Index chậm lại trong phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Ảnh: VNDS. |
Thanh khoản trên toàn thị trường sụt giảm với giá trị giao dịch khớp lệnh gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với phiên trước. Đây có thể xem là một tín hiệu tích cực khi lực bán không mạnh dù áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng nhưng giá trị cũng giảm xuống 270 tỷ đồng. Hai mã chịu áp lực bán mạnh nhất từ nhà đầu tư nước ngoài là VIC - 52 tỷ và NKG (Thép Nam Kim) - 50 tỷ.
Chứng khoán Yuanta nhận định trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và các nhịp rung lắc có thể xảy ra liên tục trong phiên kế tiếp. Đồng thời, mức độ phân hóa của thị trường có thể xảy ra và áp lực bán ngắn hạn có chiều hướng gia tăng.
“Nhưng chúng tôi đánh giá đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn hạn và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp. Điểm tich cực chúng tôi nhận thấy là dòng tiền có xu hướng tập trung ở nhóm cổ phiếu lớn, cho thấy xu hướng tăng đang khá chắc chắn”, chuyên gia của công ty dự báo.
Trong khi đó, Mirae Asset phân tích lực bán ròng của khối ngoại tuy có phần giảm nhẹ nhưng xu hướng bán ròng vẫn được duy trì sẽ là một yếu tố tác động tới tâm lý nhà đầu tư.
“Một tuần gần đây, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân là nhân tố hỗ trợ VN-Index tăng điểm khi khối ngoại lẫn tự doanh các công ty chứng khoán bán ròng mạnh. Chúng tôi đánh giá dòng tiền này mang tính đầu cơ trong khi những vấn đề vĩ mô thế giới và dịch bệnh vẫn diễn biến tiêu cực”, đơn vị này thận trọng.
Tại châu Á hôm nay, xu hướng chung của chứng khoán là giảm điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 1,4%. Tại Hàn Quốc, Kospi giảm 0,9%. Hai chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component của Trung Quốc giảm lần lượt 0,2 và 0,4%. Nhật Bản là thị trường hiếm hoi tăng điểm khi Nikkei 225 có thêm 2,1%.