Công ty đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia vừa ra 3 thông báo đấu giá là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các khối băng tần: B1 (2500-2600 MHz); C2 (3700-3800 MHz) và C3 (3800-3900 MHz).
Cụ thể, khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advandced và các phiên bản tiếp theo. Khối băng tần B1 được đấu giá với mức khởi điểm gần 3.984 tỷ đồng, bước giá áp dụng là 50 tỷ đồng. Để tham gia đấu giá, doanh nghiệp phải đặt trước 200 tỷ đồng.
Khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo được đấu giá với mức khởi điểm gần 1.957 tỷ đồng, bước giá áp dụng là 25 tỷ đồng. Khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá là 100 tỷ đồng.
Khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo có giá đấu khởi điểm là 1.957 tỷ đồng, bước giá áp dụng là 25 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng cần đặt cọc 100 tỷ đồng để tham gia đấu giá.
Hồ sơ tham gia đấu giá được bán và tiếp nhận tại Công ty đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia. Thời gian tổ chức cuộc đấu giá vào tháng 3 tại trụ sở Cục Tần số vô tuyến điện.
Thời hạn của giấy phép sử dụng từng băng tần nêu trên với doanh nghiệp trúng đấu giá là 15 năm. Đối với băng tần C2 và C3, doanh nghiệp trúng đấu giá một khối băng tần trong nhóm 2 băng tần 2500-2600 MHz và 3700-3900 MHz thì không được tham gia cuộc đấu giá đối với khối băng tần này.
Theo quyết định về phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz và băng tần 3700-3900 MHz được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông phê duyệt, sau 2 năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần, doanh nghiệp cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G. Doanh nghiệp phải cam kết cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần đó.
Tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất, doanh nghiệp phải triển khai tối thiểu 30% số lượng trạm phát sóng vô tuyến điện đã cam kết triển khai trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần.
Ngày 23/2, Cục Viễn thông cũng ra thông báo về việc triển khai giải pháp ngăn chặn máy điện thoại di động 2G không được chứng nhận hợp quy mới kết nối vào mạng viễn thông di động tại Việt Nam.
Như vậy, kể từ ngày 1/3, nhà mạng sẽ không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc Danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Một số nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone đã chủ động thông báo đến các khách hàng, khuyến nghị kiểm tra SIM và điện thoại đang sử dụng có hỗ trợ 4G hay không để thực hiện chuyển đổi sớm nhất.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.