Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thị trường mạng di động ảo sôi động trở lại

Thị trường mạng di động ảo vài năm nay chứng kiến sự góp mặt của nhiều thương hiệu mới. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này.

Thị trường mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) tại Việt Nam vốn nhen nhóm xuất hiện từ năm 2009 với sự tham gia của Đông Dương Telecom. Tuy nhiên, phải 3 năm trở lại đây, tức 10 năm kể từ thời điểm đặt những viên gạch đầu tiên cho MVNO, thị trường mới sôi động trở lại nhờ sự góp mặt của những thương hiệu mới.

Ngoài 5 nhà cung cấp dịch vụ gồm VinaPhone, MobiFone, Viettel, Vietnamobile, Gtel, thị phần mảng viễn thông đang được chia cho 4 nhà mạng viễn thông ảo là Reddi (CTCP Mobicast), Local (CTCP Viễn thông ASIM), iTel (CTCP Viễn thông Di động Đông Dương Telecom) và Digilife (Công ty TNHH Dịch vụ số DIGILIFE Việt Nam).

Cơ hội chen chân vào ngành viễn thông

Khác doanh nghiệp viễn thông truyền thống, nhà cung cấp MVNO không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông mà thuê của đơn vị khác. Do đó, các nhà mạng không tốn nhiều chi phí xây dựng hay phát triển hạ tầng, đồng thời rút ngắn thời gian thu hồi vốn.

Để cung cấp dịch vụ, các MVNO mua gói lưu lượng truy cập từ nhà mạng đối tác và chia thành các gói bán lẻ cho khách hàng. Điều này cũng đem lại lợi ích cho nhà mạng truyền thống khi có thể tận dụng cũng như thu lời từ phần tài nguyên lưu lượng chưa sử dụng.

Đối với người dùng, các MVNO cung cấp đa dạng cả về dịch vụ lẫn giá cước. Ưu điểm này giúp doanh nghiệp có lợi thế nếu tiến vào thị trường ngách hoặc tiếp cận phân khúc khách hàng ngoài phổ thông. Bản thân điều này cũng tạo áp lực cạnh tranh lên các đối thủ cùng ngành hay ngay cả doanh nghiệp viễn thông truyền thống, từ đó giúp người dùng có nhiều lựa chọn và hưởng lợi nhiều hơn.

thi truong mang di dong,  mang di dong ao anh 1

Các MVNO sử dụng hạ tầng viễn thông của nhà mạng đối tác. Ảnh: MustTech.

Quay lại những năm 1990, thị trường mạng viễn thông bắt đầu bùng nổ ở châu Âu và được mở rộng mạnh mẽ. Tuy nhiên, tình trạng băng tần di động bị giới hạn khiến việc cạnh tranh trên thị trường bị cô đặc, chỉ tập trung vào tay những doanh nghiệp lớn và trở nên khó tiếp cận đối với tân binh.

Cuối năm 1999, thế giới chứng kiến sự ra mắt của thương hiệu Virgin Mobile UK, công ty cung cấp dịch vụ MVNO đầu tiên liên doanh giữa Virgin Group và hạ tầng của One2One, thuộc Deutsche Telekom.

Đến nay, theo phân tích của Data Bridge Market Research, khả năng tăng trưởng và mở rộng của ngành viễn thông, đặc biệt ở các nền kinh tế đang phát triển sẽ trở thành nhân tố thúc đẩy thị trường mạng di động. Sự vươn lên của nền kinh tế mới nổi và nhóm ngành công nghiệp quy mô vừa và nhỏ khiến nhu cầu về thiết bị kết nối cũng như lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, mong muốn truy cập mạnh mẽ vào các ứng dụng di động, phương tiện truyền thông xã hội và dịch vụ đa phương tiện được xem là yếu tố khác thúc đẩy thị trường.

Dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường khai thác mạng di động ảo đạt 7,54% trong giai đoạn 2022-2029. Điều này đồng nghĩa giá trị thị trường của dịch vụ MVNO sẽ đạt mức 127,07 tỷ USD vào năm 2029.

Đáng chú ý, châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán tiếp tục đạt được mức tăng trưởng đáng kể và thuộc nhóm có CAGR cao nhất nhờ sự mở rộng đáng kinh ngạc của ngành dịch vụ viễn thông trong khu vực.

Cuộc đua tham gia MVNO

Sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động vào tháng 8/2009, Đông Dương Telecom sở hữu lợi thế “một mình một ngựa” trên thị trường mạng di động ảo. Đơn vị này khi ấy cho biết sẽ sử dụng hạ tầng của Viettel để cung cấp dịch vụ di động cho khách hàng.

Song, Đông Dương Telecom liên tục lỡ hẹn và quyết định lùi thời hạn triển khai. Cuối năm 2012, tức sau 3 năm, nhà mạng này không thể cung cấp dịch vụ và bị Bộ TTTT thu hồi giấy phép cung cấp dịch vụ di động ảo.

Mãi đến 25/4/2019, Đông Dương Telecom mới chính thức ra mắt dịch vụ MVNO iTel có đầu số 087 thông qua thỏa thuận với Tập đoàn VNPT trên cơ sở hạ tầng của mạng di động VinaPhone.

Giai đoạn đầu, các sản phẩm iTel được hướng tới đối tượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp ở 9 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An và Đồng Nai. Mục tiêu ban đầu tập trung tới 15 triệu công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên cả nước, sau được mở rộng sang các phân khúc người dùng khác như người có thu nhập thấp, sinh viên…

Theo cập nhật gần nhất, iTel đang có hơn 2,25 triệu người dùng, tương ứng 3,01 triệu thuê bao phủ khắp 63 tỉnh thành.

thi truong mang di dong,  mang di dong ao anh 2

Cả nước hiện có hơn 125 triệu thuê bao di động nhưng các nhà mạng truyền thống có thị phần tới hơn 90%. Ảnh: Thạch Thảo.

Một năm sau đó, Việt Nam có mạng di động thứ 7 có tên Reddi với đầu số 055, đồng thời là mạng di động ảo thứ 2. Đây là dịch vụ do Mobicast phát triển và cũng sử dụng hạ tầng viễn thông của VinaPhone.

Không giống iTel, Reddi nhắm vào các dịch vụ sử dụng công nghệ mới như 5G thương mại. Tệp người dùng của nhà mạng cũng tập trung chủ yếu vào thế hệ trẻ.

Đến tháng 9/2021, Công ty TNHH The Sherpa (công ty con của Tập đoàn Masan) chi gần 300 tỷ đồng để mua lại 70% cổ phần Mobicast.

Với hàng loạt đơn vị thành viên như WinCommerce, Techcombank hay Phúc Long, để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cho biết cần có giải pháp để tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Do đó, việc đặt chân sang lĩnh vực viễn thông được xem là bước đầu để tập đoàn số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life”, từ đó xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.

Sự tiếp sức của ông lớn cũng giúp Reddi kế thừa nhiều điều kiện để phát triển. Gần đây, Masan đưa vào vận hành 27 cửa hàng đa tiện ích WIN thuộc hệ sinh thái WINLife phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân như nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (Reddi). Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, tập đoàn đặt mục tiêu thu hút 500.000 đến 1 triệu thuê bao Reddi trong năm nay.

Tháng 4 năm nay, Local trở thành mạng di động ảo tiếp theo xuất hiện trên thị trường viễn thông. Đây là mạng di động do Asim Telecom phát triển thông qua hạ tầng của MobiFone, sử dụng đầu số 089.

Trước đó, Local có hơn một năm thử nghiệm dịch vụ viễn thông cơ bản và dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng trên cả nước. MVNO này hoạt động chủ yếu trên nền tảng số qua ứng dụng đa dịch vụ myLocal.vn

Ngoài 3 nhà mạng đã triển khai dịch vụ, một số đơn vị khác như Công ty DIGILIFE Việt Nam (thuộc công ty lĩnh vực thanh toán điện tử VNPay) đã rục rịch phát triển nền tảng sau khi được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ mạng di động ảo đến năm 2032, hay FPT Retail trong tài liệu đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm cũng đề cập đến việc “nghiên cứu, triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo”.

Vẫn còn hàng triệu thuê bao di động không dùng smartphone

Cả nước vẫn còn 43,8 triệu thuê bao di động chỉ sử dụng để gọi thoại hoặc nhắn tin. Khoảng 11,7 triệu thuê bao không dùng smartphone hoặc không sử dụng data trên smartphone.

Sóng 2G sắp bị cắt

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đang đặt mục tiêu giảm số lượng điện thoại chỉ sử dụng mạng 2G/3G xuống dưới 5% nhằm đạt điều kiện triển khai kế hoạch tắt sóng 2G.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm