Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết tháng 7, cả nước hiện có 125,7 triệu thuê bao di động phát sinh lưu lượng. Trong đó số thuê bao điện thoại di động đang hoạt động có sử dụng dữ liệu chiếm 65%, phần còn lại thuộc về thuê bao di động chỉ sử dụng thoại, tin nhắn.
So với tháng 1, số thuê bao điện thoại di động phục vụ gọi thoại, tin nhắn đã giảm 3,4 đơn vị, tương đương mức giảm 7,3%. Mặt khác, lượng thuê bao điện thoại di động sử dụng dữ liệu tăng thêm 6,6 triệu đơn vị, tương đương mức tăng 8,7%.
Việt Nam có 91,3 triệu thuê bao smartphone tính đến cuối năm 2021 và ghi nhận thêm hơn 2 triệu thuê bao đến tháng 3 năm nay, tức tổng cộng 93,5 triệu thuê bao. Ước tính tỷ lệ người trưởng thành sử dụng smartphone chiếm 73,5%.
Dẫu vậy, căn cứ vào số thuê bao phát sinh dữ liệu, Việt Nam vẫn còn khoảng 11,7 triệu thuê bao không dùng smartphone hoặc không có nhu cầu sử dụng data trên smartphone.
Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện cắt sóng 2G do số lượng người dùng điện thoại cơ bản còn lớn. Ảnh: MIT. |
Song, theo chiều hướng này, Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu 85% người trưởng thành có smartphone mà Dự thảo Chiến lược hạ tầng số quốc gia đến năm 2025 và kế hoạch năm 2022 nếu phát triển 8,6 triệu thuê bao smartphone từ 10 triệu người dùng điện thoại cơ bản (feature phone).
Bên cạnh đó, việc giảm số lượng điện thoại cơ bản chỉ sử dụng mạng 2G/3G xuống dưới 5% có thể giúp ngành viễn thông sớm chuyển đổi hạ tầng sóng và thực hiện quá trình tắt sóng 2G. Kế hoạch tắt sóng 2G vào năm 2023 sẽ nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone hay tham gia vào các dịch vụ số. Đây cũng là mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Thủ tướng phê duyệt.
Để đạt điều kiện tắt sóng 2G, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm số lượng điện thoại di động chỉ sử dụng mạng 2G/3G, bao gồm yêu cầu các sản phẩm thiết bị điện thoại di động chỉ có tính năng 2G, 3G hoặc kết hợp cả 2G và 3G không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ TTTT, số thuê bao băng rộng di động ước đạt 82 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 83 thuê bao/100 dân, tăng 9,3% so với đầu năm và 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đến tháng 12/2022 đạt tỷ lệ 85 thuê bao/100 dân.
Số thuê bao băng rộng cố định đến tháng 6/2022 ước đạt 20,5 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 21 thuê bao/100 dân, tăng 4,4% so với đầu năm và 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đến tháng 12/2022 nâng tỷ lệ lên 22 thuê bao/100 dân.