Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển.
Do có mức độ sẵn sàng cao, gắn bó mật thiết đến cuộc sống hàng ngày của người dân, ngành ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh nguồn lực vào chuyển đổi số. Thông qua ứng dụng mobile banking, ví điện tử, người dùng đã có thể dễ dàng tiếp cận nhiều loại hình dịch vụ như tiết kiệm, bảo hiểm, chuyển tiền…
Bên cạnh đó, người dùng còn thanh toán cho hoạt động gọi xe, đặt vé xem phim, nhà hàng, du lịch, y tế, giáo dục. Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng qua đơn vị cung ứng khác như mua trả góp, mua trước trả sau.
Các phương thức thanh toán hiện đại trên thế giới đã được áp dụng tại Việt Nam
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm vượt 90%; nhiều ngân hàng ghi nhận 90% giao dịch phát sinh trên kênh số; đa phần các dịch vụ cơ bản của ngân hàng như mở tài khoản, thẻ ngân hàng, gửi tiết kiệm đều được tích hợp trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản Mobile Money được mở với số lượng tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm 60%.
“Hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn đáp ứng được hầu hết nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế. Các phương thức, dịch vụ thanh toán mới hiện đại trên thế giới như thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR, thanh toán tiếp xúc gần NFC, mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử... đã được triển khai thực hiện tại Việt Nam với chi phí hợp lý”, thống đốc cho biết.
Gần 70% người Việt trưởng thành có tài khoản thanh toán. Ảnh: Noncash. |
Theo ông Lê Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030, khách hàng được thực hiện 50-70% nghiệp vụ ngân hàng trên kênh số, 50-80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng.
Đến nay, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 66%, khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến qua phương thức định danh điện tử (eKYC).
Tính đến tháng 4/2022, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7%, giá trị giao dịch loại hình này tăng 27,5%. Giao dịch qua Internet cũng tăng lần lượt 48,39% và 32,76%. Giao dịch qua điện thoại di động tăng lần lượt 97,65% và 86,68%. Giao dịch qua mã QR tăng lần lượt 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021.
Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đứng top khu vực
Về thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam và Lào - cho biết tỷ lệ người dân thuộc khu vực Đông Nam Á sử dụng cùng lúc nhiều hoặc một trong những phương thức không tiền mặt như thẻ, ví trên điện thoại rất cao, trung bình khoảng 93%.
Tại Việt Nam, tỷ lệ này đạt 95%, không chênh lệch quá nhiều so với Singapore (97%) hay Malaysia (96%). Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế tác động đến hành vi chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt, tiêu biểu như tỷ lệ phổ cập Internet, smartphone cao.
Đáng chú ý, bình quân người dùng Việt Nam có 13,7 ngày không dùng tiền mặt và có thể quản lý chi tiêu mà không dùng tiền mặt, tăng 40% so với năm 2020 và 54% so với năm 2021.
“Cứ 3 người thì có 2 người Việt Nam cố gắng, tiếp cận các phương thức không dùng tiền mặt. Khoảng 50% trong số đó quản lý chi tiêu thành công mà không dùng tiền mặt khoảng 1 tuần hoặc hơn thế”, đại diện Visa thông tin thêm.
Dịch vụ Mobile Money là một trong những dịch vụ nằm trong lĩnh vực thanh toán số. Ảnh: V.T. |
Trong các chiến lược chuyển đổi số được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2022, thanh toán số được xem là yếu tố quan trọng trong hoạt động phổ cập tài chính. Để thúc đẩy lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thống đã phối hợp với NHNN đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp viễn thông là VNPT, MobiFone và Viettel thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Ông Ngô Diên Hy - Phó tổng giám đốc VNPT - cho biết Mobile Money được xem như “cánh tay nối dài của ngân hàng”. Qua 6 tháng triển khai, doanh nghiệp ghi nhận hơn nửa triệu tài khoản được mở mới với 2.400 điểm nạp tiền, 2.100 điểm chấp nhận thanh toán dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ công, học phí.
Ngoài số liệu về lượng người dùng đăng ký, sử dụng dịch vụ, NHNN thống kê tính đến hết tháng 3, cả nước có 3.000 điểm kinh doanh Mobile Money. Khoảng 900 điểm nằm ở những khu vực gặp khó khăn về hạ tầng, địa lý, tương đương 30%.
Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 12.800 điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money, bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục. Tổng giá trị giao dịch trong suốt thời gian thí điểm của 3 nhà mạng vượt 370 tỷ đồng, tổng số lượng giao dịch đạt 8,5 triệu đơn vị.