Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Quốc hội: TP.HCM sẽ thí điểm đầu tư PPP về văn hóa

"Quốc hội và Chính phủ sẽ làm việc cùng TP.HCM để xây dựng một số cơ chế chính sách, trong đó thí điểm đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP) về văn hóa", Chủ tịch Quốc hội nói.

Tại phiên làm việc chiều 17/12, Hội thảo Văn hóa 2022 tiếp tục có sự tham gia trao đổi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cùng ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.

Trong đó, việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa cùng các vấn đề đặt ra từ thực tiễn được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng cơ quan bộ, ngành quan tâm.

Khơi thông các nguồn lực cho phát triển văn hóa

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng gợi ý một số vấn đề để các đại biểu nghiên cứu. Trong đó, ông cho rằng thể chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, bao quát sẽ khơi thông được nguồn lực to lớn của đất nước cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Nếu có thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt, hoạt động văn hóa không phải là tiêu tiền mà còn đóng góp lớn cho ngân sách.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Với trách nhiệm của mình, bên cạnh chăm lo xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, Nhà nước phải tăng cường nguồn lực vật chất cho phát triển văn hoá, tương xứng với tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, ông Thưởng cho rằng cần nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.

“Thực tiễn, kinh nghiệm thế giới cho thấy nếu có được thể chế, chính sách và tổ chức thực hiện tốt, hoạt động văn hóa không phải là tiêu tiền mà còn đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia”, ông Võ Văn Thưởng nói.

dau tu van hoa anh 1

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa 2022, chiều 17/12. Ảnh: Phạm Thắng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng, nhìn nhận với ngành công nghiệp văn hóa, quy định của pháp luật hiện hành về huy động nguồn lực cho thấy lĩnh vực này chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích.

Ông Hùng dẫn chứng việc lĩnh vực văn hóa không được áp dụng cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hoặc không được giảm trừ khi xác định thu nhập thuế như các khoản chi tài trợ cho giáo dục, y tế và nghiên cứu khoa học...

Từ đó, tư lệnh ngành văn hóa đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc sửa đổi theo hướng bổ sung các khoản chi tài trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế…

"Bên cạnh đó, cần có chính sách về tuổi lao động, tiền lương, phụ cấp cho những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù, chính sách cho các nghệ nhân là những người giữ hồn, giữ lửa trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói thêm.

Mục tiêu tổng mức đầu tư cho văn hóa đạt 1,8-2%

Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nguồn lực tài chính và tài sản công đầu tư cho văn hóa có xu hướng gia tăng.

Trong đó, nguồn chi thường xuyên của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho lĩnh vực văn hóa tăng trong 5 năm gần đây (2018-2022), trung bình khoảng 10.500 tỷ/năm, chiếm 1,57% trong tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước.

Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa phải đạt 1,8-2% tổng chi thực tế của cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nhiều chính sách văn hóa cũng được ban hành tác động tích cực, thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa như phát triển con người Việt Nam toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa, lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận các chính sách khuyến khích xã hội hóa chưa thực sự tạo ra động lực phát huy tiềm năng sáng tạo văn hóa. Cơ chế tài chính chưa khuyến khích sự sáng tạo, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Tổng hợp các tham luận của hội thảo, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.

Một trong số đó là phát triển nguồn nhân lực văn hóa và coi đây là khâu đột phá trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Mục tiêu được đặt ra là việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa phải đạt 1,8-2% tổng chi thực tế của cả nước.

dau tu van hoa anh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội thảo Văn hóa 2022, ngày 17/12. Ảnh: Phạm Thắng.

Để làm được việc này, ông Huệ nhấn mạnh cơ chế khơi thông nguồn lực doanh nghiệp và xã hội bằng cách sửa đổi hệ thống pháp luật.

Ông dẫn chứng TP.HCM hiện có danh mục 53 dự án quan trọng lớn về văn hóa, với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng hiện nay đầu tư công mới chỉ bố trí được 9 dự án với khoảng 3.800 tỷ đồng. Các dự án còn lại phải dựa vào đầu tư PPP.

"Trong khi chưa sửa được cơ chế chung thì Quốc hội và Chính phủ sẽ làm việc với thành phố để bàn câu chuyện áp dụng một số cơ chế chính sách, trong đó có việc thí điểm cho TP.HCM thực hiện đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa", Chủ tịch Quốc hội nói.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Cần tăng mức đầu tư cho văn hóa

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng văn hóa cần được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển và đề xuất tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách Nhà nước.

Muốn sớm có cơ chế đặc thù song TP.HCM vẫn chưa trình hồ sơ

Chủ tịch Quốc hội cho biết TP.HCM muốn trình đề xuất về cơ chế chính sách đặc thù cho địa phương trong kỳ họp bất thường diễn ra vào tháng 1/2023 nhưng đến nay, hồ sơ vẫn chưa có. 

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm