Sáng 17/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Tại đây, các đại biểu là đại diện cho cơ quan Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương cùng các chuyên gia có các bài tham luận và thảo luận về giải pháp nhằm phát triển lĩnh vực văn hóa trong thời kỳ mới.
Bố trí quỹ đất cho phát triển văn hóa
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vai trò của văn hóa trong phát triển đã rất toàn diện và rõ ràng, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại, phát triển sáng tạo qua nhiều nhiệm kỳ.
Theo đó, văn hóa “soi đường cho quốc dân đi” là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Ông Thắng nhìn nhận qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nền văn hoá Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đa dạng.
"Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội", theo ông Thắng.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn tại hội thảo văn hóa sáng 17/12. Ảnh: Phạm Thắng. |
Theo đó, ông cho rằng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm và còn có tư duy lệch lạc cho rằng phát triển văn hoá cần nguồn lực đầu tư lớn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít trong khi đây được coi là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước.
Phát triển văn hoá luôn bắt đầu từ người dân, nhân dân là trung tâm, vừa là người hưởng thụ văn hoá, vừa là người trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động văn hoá
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng
Ông cho rằng các chủ trương, chính sách phải giải quyết thật tốt, có hiệu quả những mối quan hệ biện chứng cơ bản, phản ánh sâu sắc quy luật phát triển của văn hoá Việt Nam trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước.
Từ đó, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đưa ra 4 nhiệm vụ cho việc phát triển văn hóa bao gồm: Xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế, kết nối giữa truyền thống và hiện đại, phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa.
Ông Thắng nhấn mạnh các giải pháp phải vừa khơi dậy, phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa loại bỏ những yếu tố đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển; đồng thời, hóa giải những mâu thuẫn, nghịch lý, hạn chế các cú sốc văn hoá, tạo ra những bước chuyển nhịp nhàng giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển nền văn hóa đất nước.
Từ thực tiễn trên, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng vai trò, hiệu quả, nội dung của các luật, các chính sách hiện hành để bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với đời sống thực tiễn, tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở lĩnh vực văn hoá phát triển.
"Phát triển văn hoá luôn bắt đầu từ người dân, nhân dân là trung tâm, vừa là người hưởng thụ văn hoá, vừa là người trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động văn hoá, cung cấp các dịch vụ công và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá", ông Thắng nói.
Đáng lưu ý, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng các địa phương cần đặc biệt chú ý đến công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất cho phát triển văn hoá, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, sinh hoạt văn hoá cộng đồng…
Thành tựu về xây dựng văn hóa chưa tương xứng
Trình bày tham luận tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết đối với những lĩnh vực quan trọng của văn hóa, nhận thức của Đảng có những bước phát triển, nổi bật là hoàn thiện định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; đột phá cơ chế, chính sách để phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ...
"Có thể nói, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vừa nhất quán, kiên định, vừa từng bước bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, sâu sắc hơn, góp phần quan trọng trong việc Đảng lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam", theo ông Nghĩa.
Ông Nghĩa nhận định quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những thành tựu cơ bản.
Trong đó, mạng lưới các tổ chức văn hóa, văn nghệ phát triển rộng rãi. Các cơ sở xuất bản được duy trì, cải tổ và phát triển, xuất hiện hàng trăm tờ báo ở khắp các địa phương trong cả nước, đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền.
Nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam cũng được hình thành và phát triển, từng bước chuyển sang một giai đoạn mới, với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa; xuất hiện nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật trên các loại hình...
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận việc xây dựng và phát triển văn hóa đạt được nhiều thành tựu. Ảnh: Phạm Thắng. |
Dù vậy, ông nhìn nhận so với những thành tựu đạt được về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu phát triển văn hóa, xây dựng con người thời gian qua còn chưa tương xứng.
Văn hóa cần phải được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển, với những chuyển động mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh 'soi đường cho quốc dân đi' góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
Những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực xây dựng văn hóa, con người đã được Đảng chỉ rõ từ lâu, nhưng chậm được khắc phục. Những năm gần đây, đạo đức trong xã hội có chiều hướng xuống cấp đáng lo ngại.
Trong đó, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lo ngại về hiện tượng phai nhạt lý tưởng, lối sống thực dụng, vị kỷ, vô cảm; sự vô trách nhiệm, thiếu kỷ luật trong lao động, hoạt động công vụ; một số biểu hiện, xu hướng lệch lạc trong sáng tác, trình diễn, cảm thụ văn học, nghệ thuật…
Ngoài ra, môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp. Những tệ nạn, tiêu cực trong hoạt động, quản lý văn hóa chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, tác động xấu đến quá trình phát triển văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam.
Xu hướng “thương mại hóa”, “bệnh thành tích”, chạy theo bề nổi cũng chưa được khắc phục; vẫn còn những hoạt động, những sản phẩm kém chất lượng, “phản văn hóa”...
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, ông Nghĩa cho rằng văn hóa cần phải được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển, với những chuyển động mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, góp phần đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Do đó, công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc vừa là khát vọng nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị cấp thiết đặt ra hiện nay.
Để phát huy được sức mạnh, vai trò của văn hóa, thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; đồng thời cùng với Chính phủ tiếp tục quan tâm, tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.