Kết thúc Hội thảo khoa học “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” chiều 29/11, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định kết quả của hội thảo sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước ban hành quyết sách tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị trong đời sống xã hội.
Xây dựng cơ chế, bố trí nguồn lực
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.
“Việc này có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng để phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong giai đoạn tới”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh: TTXVN. |
Qua các tham luận tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định chuẩn mực xây dựng con người là trung tâm; hệ giá trị gia đình là cơ bản; hệ giá trị văn hóa là nền tảng, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao cả, chi phối các hệ giá trị khác.
Theo ông, sự phân định ở đây về các hệ giá trị là tương đối vì các hệ giá trị này có mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ và chuyển hóa lẫn nhau để tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đi vào cụ thể về hệ giá trị con người Việt Nam, ông Nghĩa nhấn mạnh cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý các cơ quan, đơn vị bên cạnh việc nghiên cứu, phải cụ thể hóa các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương.
Từ đó, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong quá trình triển khai thực hiện các hệ giá trị, ông Nghĩa nhấn mạnh cần tập trung chỉ đạo, đưa vấn đề giáo dục giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ giáo dục phổ thông tới đại học, trong các học viện.
Các cơ quan và đơn vị cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá mới trong việc triển khai, thực hiện các hệ giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.
Lãnh đạo, quản lý, nghệ sĩ cần nêu gương
Trước đó, tại phiên phiên thảo luận thứ 2 về các nội dung hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho rằng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực giá trị con người Việt Nam mà Đảng xác định chính là khát vọng, mục tiêu muốn đạt được, không phải là những hệ giá trị có sẵn hay đang phổ biến trong xã hội.
Theo bà Châm, nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị này.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục. Ảnh: Trần Xuân. |
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng nhìn nhận có nhiều thách thức trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay, mà trước hết là mặt trái của nền kinh tế thị trường với sự xu hướng chạy theo chủ nghĩa vật chất.
“Tư tưởng ‘tiền trong túi ai thì vầng hào quang tỏa trên đầu người đó’, ‘tiền là tiên là phật... chắc chắn tồn tại trong không ít con người chúng ta. Đó là nguyên do làm cho không ít vấn đề liên quan hệ giá trị văn hóa thay đổi, bao gồm cả mặt tốt và không tốt", ông Sơn nói.
Ông cũng đề cập đến thách thức khi hội nhập quốc tế với những giá trị hào nhoáng, bóng bẩy, lạ lẫm… Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội cũng có những tác động nhất định.
"Chúng ta có xã hội phong phú hơn, bối cảnh mới hơn, do đó cần có hệ giá trị mới để điều tiết. Đây là vấn đề cấp thiết trong xã hội hiện nay", ông Sơn nhấn mạnh.
Lưu ý việc nêu cao sự gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, ông Sơn cho rằng bối cảnh xã hội rất phức tạp khiến con người dễ phân tâm trong việc xác định định hướng giá trị của mình. Do đó, việc làm gương là một giải pháp quan trọng.
“Tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ là những người được nhân dân quan tâm, chú ý nên việc làm gương của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và thực hành giá trị văn hóa”, ông Sơn nói.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.