Sáng 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh đây là hội thảo rất ý nghĩa, thể hiện ngay ở việc chọn địa điểm tổ chức hội thảo.
“Hội thảo được tổ chức trực tiếp ở Hà Nội - trái tim của cả nước, và trực tuyến đến Huế, TP.HCM - những vùng đất lịch sử, văn hóa, tiêu biểu cho các vùng miền của đất nước, hội tụ và lan tỏa những nét đẹp, tinh hoa văn hóa của con người Việt Nam”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhắc lại Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi, xuyên suốt là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và giá trị con người Việt Nam; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Quang Tấn. |
Đảng cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng yếu là phải xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, trong đó tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai hệ giá trị quốc gia, văn hóa và chuẩn mực con người gắn với hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, xác định đây là một trong những nhiệm vụ có vị trí đặc biệt quan trọng.
Dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cách đây đúng một năm, ông Nghĩa cho biết Tổng bí thư đã nhấn mạnh phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và chấn hưng nền văn hóa dân tộc cần thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc bàn và triển khai thực hiện các hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam.
“Tổng bí thư định hướng xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp; gắn với giữ gìn phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết tại hội thảo các đại biểu sẽ phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tập trung thảo luận những nội dung như tính cấp thiết và yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị; phân tích mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị...
Không thể xem nhẹ giá trị con người
Tham luận trong phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, PGS.TS Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đề cập đến việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Hệ giá trị con người là những yếu tố tích cực, phẩm chất, tính cách... được hình thành trong quá trình sinh tồn, phát triển, có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội.
Theo ông, hệ giá trị con người là hệ giá trị trung tâm, cốt lõi trong bảng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa. “Hệ giá trị con người Việt Nam là nội dung cấu thành quan trọng nhất, quyết định chất lượng nhân lực và nguồn lực con người trong mọi thời đại”, ông Hải nói.
Song thực tế, chuyên gia phản ánh điểm nghẽn trong sự phát triển của đất nước hiện nay chính là nguồn nhân lực, khi không khơi dậy, khai thác, phát huy, phát triển hệ giá trị con người.
PGS.TS Lương Đình Hải nhìn nhận chúng ta đang “khủng hoảng hệ giá trị”, thể hiện qua sự suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cá nhân. Dẫn chứng những vụ việc như con đốt nhà mẹ đòi chia đất, người lớn đóng đinh vào đầu trẻ em… ông Hải nhìn nhận đó là những điều kinh hoàng và nếu xem nhẹ giá trị con người, hệ quả như vậy tất yếu sẽ diễn ra.
Giải pháp được ông đưa ra là đổi mới nhận thức về các hệ giá trị, nâng cao vai trò truyền thông trong giáo dục hệ giá trị. “Sẽ là sai lầm nếu chỉ nhấn mạnh vào khía cạnh kỹ thuật, công nghệ mà xem nhẹ khía cạnh con người, nhân lực, hệ giá trị”, ông Hải nói.
Các đại biểu dự hội nghị tham quan Triển lãm sách và tài liệu về Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Ảnh: Quang Tấn. |
Cũng đề cập đến sự tha hóa, lệch chuẩn về giá trị con người, GS.TS Hồ Sĩ Quý cho rằng việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là vấn đề rất khó. Ông chỉ ra sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đi kèm các biểu hiện lệch chuẩn về giá trị.
“Ví dụ kinh tế tăng trưởng nhanh, kể cả trong đại dịch, nhưng lại tập trung ở khu vực không tăng việc làm và thu nhập cho người lao động, khiến người giàu và trung lưu ngày càng giàu hơn nhưng người nghèo chưa chắc đã được gì, thậm chí còn nghèo đi”, ông Quý nói.
Trong lĩnh vực y tế, chuyên gia nhắc đến việc những người chịu trách nhiệm quản lý ngành y vừa qua phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thể hiện sự tha hóa về phẩm chất con người.
Từ thực tế đó, ông cho rằng xây dựng giá trị con người Việt Nam không tách rời hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ mới. “Nếu không tập trung giải quyết vấn đề này thì những mục tiêu Đại hội XIII kỳ vọng không dễ gì đạt tới”, ông Quý nhấn mạnh.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.