Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ tịch Quốc hội: Không để người kém đánh giá người giỏi

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) làm rõ vai trò các tổ chức đánh giá năng lực y bác sĩ, đồng thời xem xét quy định về giá khám chữa bệnh.

Sáng 14/12, ngày làm việc thứ hai của phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Dự thảo sẽ được trình lên kỳ họp bất thường vào tháng 1/2023 để xem xét.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết việc chưa thông qua dự thảo luật trong kỳ họp vừa qua là rất thận trọng, với mong muốn luật đảm bảo được tính thực tiễn và lâu dài. Trong đó, nhiều nội dung trong dự thảo cần được xem xét và làm rõ.

“Nếu thông qua rồi mới phát hiện ra vướng mắc thì sẽ lỡ hết cơ hội, vì phải có chu kỳ mới sửa luật được. Chúng ta đánh giá cao nhưng không nên thỏa mãn, chủ quan vì ngoài Bộ Y tế, dự thảo luật này cũng gắn nhiều thứ với Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ”, ông Huệ nói.

Yêu cầu xem lại quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh

Dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có Khoản 14 Điều 2 quy định về người chịu trách nhiệm chuyên môn ở cơ sở khám chữa bệnh là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc quy định này sẽ khó thực hiện vì “với mô hình hội đồng quản lý ở các bệnh viện, nhiều giám đốc cũng không biết ai là người đứng đầu, ai là người có trách nhiệm cao nhất với cơ sở khám chữa bệnh”.

Ông Huệ yêu cầu quy định thẳng người chịu trách nhiệm chuyên môn ở đây là ai, là giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản lý. Ngoài ra, có thể nói quy định theo khung và theo Nghị quyết 19 rồi sau này hoàn thiện dần.

Ông cũng đề cập đến quy định đưa ra ở Khoản 15 Điều 2, về việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hướng dẫn luận án, luận văn cho y bác sĩ và cho rằng quản lý Nhà nước không cần lo thay cho cán bộ y tế về việc tự nâng cao năng lực của họ.

“Bác sĩ, lái xe, kiểm toán viên, phi công tính thâm niên không phải bằng bao nhiêu năm tốt nghiệp, mà tính bằng thời gian hành nghề. Làm gì có chuyện mình phải đi nhồi nhét kiến thức cho người ta. Nếu quy định cập nhật kiến thức y khoa cho bác sĩ, thì các ngành khác có cần không?", ông Huệ nêu băn khoăn.

danh gia y bac si anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi các vấn đề cần làm rõ trong dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Ảnh: Phạm Thắng.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ vai trò của hội đồng y khoa trong việc đánh giá năng lực y bác sĩ. Nếu theo dự thảo luật, các tổ chức xã hội nghề nghiệp sẽ bị loại ra khỏi quy định.

Ông cho rằng riêng với việc đánh giá năng lực, hội đồng y khoa chỉ nên làm đầu mối chứ không thể làm tất cả mọi thứ cho hàng chục nghìn y bác sĩ.

“Cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc tham gia đánh giá năng lực thế nào. Trong đánh giá năng lực, tránh trường hợp người kém hơn đánh giá người giỏi hơn, sợ nhất người không hiểu biết đánh giá người hiểu biết”, ông Huệ nói.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, ông Huệ cho biết luật hiện quy định 4 loại, nhưng trong dự thảo luật sửa đổi quy định thành 5 loại gồm: Chi phí nhân công, chi phí hàng hóa, chi phí khấu hao, chi phí quản lý và chi phí khác.

Trong khi đó, Nhà nước hiện mới chỉ tính được hai nhóm giá là chi phí nhân công và chi phí hàng hóa. Còn chi phí khấu hao và chi phí quản lý đã có lộ trình, nhưng còn khó khăn để tính đúng, tính đủ. Trong khi đó, mệnh giá bảo hiểm chưa nâng lên được.

“Giờ có thêm 'chi phí khác liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh' thì tôi không hiểu là chi phí gì. Chúng ta quy định càng mù mờ thì càng khó thực hiện”, ông Huệ đặt câu hỏi và yêu cầu Bộ Tài chính xem xét thêm vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, chỉnh sửa lại quy định về giá. Cơ quan soạn thảo nên quy định rõ 3 vấn đề: Giá dịch vụ gồm những gì; cách tính đúng, tính đủ và lộ trình tính giá với dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

“Chúng ta đang phấn đấu có cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, để tránh chảy máu ngoại tệ. Hàng năm, nhiều người phải đi sang Hong Kong, Singapore, Nhật Bản để khám chữa bệnh, trong khi cơ sở Nhà nước hoàn toàn có thể làm trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao theo yêu cầu”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Cần lực lượng bảo vệ chuyên trách ở cơ sở khám chữa bệnh

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Lê Quang Huy nêu băn khoăn về quy định thiết bị y tế. Theo ông, qua đợt dịch Covid-19, vấn đề nổi lên bên cạnh thiết bị là vật tư, nhưng trong dự thảo đề cập chưa kỹ về việc thiết bị y tế đã bao hàm vật tư chưa.

Theo ông Huy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban Xã hội báo cáo về đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, có nói đến trang thiết bị y tế. Về việc này, ông cho rằng cần bàn về Luật Trang thiết bị y tế để phổ quát hơn từ chuyện chế tạo, nghiên cứu, sản xuất, lưu hành, lưu thông...

Ông Huy cho rằng vấn đề vật tư chưa được điều chỉnh trong dự thảo luật sửa đổi, trong khi các bác sĩ, đại biểu Quốc hội rất quan tâm vấn đề này.

"Đối với thiết bị y tế, tôi cho rằng còn liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Trên thực tế, có những trang thiết bị cần phải truy xuất nguồn gốc, thậm chí lưu hành rồi mà khi xảy ra việc gì thì vẫn phải thu hồi", ông Huy nêu ý kiến.

danh gia y bac si anh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Lê Quang Huy thảo luận tại phiên họp sáng 14/12. Ảnh: Phạm Thắng.

Ở góc độ đảm bảo an ninh, trật tự cho cơ sở khám chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng việc này không chỉ cho y bác sĩ, mà còn phải đảm bảo an toàn cho người dân đến khám, chữa bệnh.

Ông Tới cho rằng đối tượng về đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự là địa bàn và khu vực cơ sở khám, chữa bệnh; đối tượng cần bảo vệ là người hành nghề, người làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh, người dân và các đối tượng liên quan khác...

Bên cạnh đó, hiện có nhiều biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự nhưng chưa rõ đối tượng thực hiện. Do đó, cơ sở khám, chữa bệnh cần có lực lượng bảo vệ chuyên trách để thực hiện những biện pháp này.

Đồng thời, ông Tới đề nghị quy định trách nhiệm của lực lượng công an cơ sở trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở khám, chữa bệnh và hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên môn.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Chủ tịch Quốc hội: Chuyên gia còn không hiểu, dân làm sao góp ý?

Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu chỉ đăng tải toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lên cổng thông tin rồi lấy ý kiến, người dân sẽ khó góp ý vì ngay cả chuyên gia còn không hiểu.

Phạt nhiều cá nhân khám, chữa bệnh không phép ở TP.HCM

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa xử phạt nhiều nhân viên spa, hộ kinh doanh chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng vẫn khám chữa bệnh.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm