TP.HCM muốn trình xin ý kiến Quốc hội cơ chế, chính sách đặc thù mới tại kỳ họp bất thường. Ảnh: Thuận Thắng. |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin như trên tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 28/11, cho ý kiến về việc tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ hai.
Liên quan đến nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết số 54), Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Chính phủ đề nghị chưa đưa vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2 do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết tại cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với TP.HCM ngày 27/11, TP.HCM đề nghị trình để Quốc hội xem xét, cho thí điểm chính sách mới thay thế cho Nghị quyết 54 tại kỳ họp bất thường sắp tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Ảnh: Nghĩa Đức. |
Theo người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng đã giao TP.HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Tại cuộc làm việc hôm qua, thấy rằng TP.HCM đang vướng mắc rất nhiều, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Do đó, TP.HCM đề nghị xem xét các chính sách mới tại kỳ họp bất thường để tháo gỡ vướng mắc cho thành phố”, ông Sơn nói.
Ủng hộ quan điểm này, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan trọng là có chuẩn bị kịp hay không, vì còn qua quy trình trình và thẩm tra dự thảo. Ông Huệ lưu ý tránh “dục tốc bất đạt”.
Trước đó, đề cập đến nội dung này tại cuộc họp với TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định các bộ, ngành, cơ quan của Chính phủ sẽ phối hợp với TP.HCM trong việc sửa đổi Nghị quyết 54 về các cơ chế đặc thù cho thành phố.
Bộ KH&ĐT được giao tập trung cao cho công việc này, tiếp thu toàn bộ ý kiến của TP.HCM, đặc biệt là các chính sách thí điểm; rà soát lại xem có nội dung gì có thể đưa vào nghị quyết để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Trao đổi với Zing trước đó, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM đã tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 và xin thí điểm thực hiện các cơ chế mới, mô hình mới mà pháp luật hiện hành chưa có quy định hoặc đã có nhưng không còn phù hợp.
“Việc đề xuất cơ chế mới nhằm tăng sự chủ động, tự chủ cho TP.HCM; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của thành phố, để thành phố phát triển mạnh, góp phần lớn hơn vào sự phát triển chung của đất nước”, Chủ tịch TP.HCM nói.
Ông Mãi nhấn mạnh TP.HCM đang phối hợp với các cơ quan Trung ương để trình dự thảo này sớm nhất có thể.
Dự kiến, TP.HCM đề xuất cơ chế mới cho những lĩnh vực như: Quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, quản lý văn hóa - xã hội và quản lý trật tự xã hội…
Thành phố cũng muốn kiến nghị thêm cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp sáng 28/11. Ảnh: Nghĩa Đức. |
Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1/2023 (trước Tết Quý Mão) hoặc tháng 2/2023 (sau Tết), theo báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.
Tổng thư ký Quốc hội cho rằng nếu tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1 sẽ rất gấp, hơn nữa thời điểm tổ chức sát Tết cổ truyền. Do vậy, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn phương án 1.
Song theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, kỳ họp bất thường chỉ kéo dài khoảng 3-4 ngày, không nên tổ chức sau Tết Nguyên đán vì quá trễ, ảnh hưởng đến kỳ họp giữa năm. Ông đề nghị họp vào đầu tháng 1, khoảng ngay sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga góp ý kỳ họp Quốc hội bất thường nên họp tập trung vì số ngày ngắn, nội dung không nhiều, nếu họp cả tập trung và trực tuyến sẽ phức tạp.
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, nhưng tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.