Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội sắp họp bất thường lần hai

Dự kiến trước hoặc sau Tết Quý Mão 2023, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 2 để xem xét nhiều nội dung quan trọng.

Các đại biểu Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Hồng Phong.

Việc tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sáng 28/11.

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội , Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Chính phủ đề nghị trình Quốc hội nhiều nội dung.

Trước hết là xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30.

Kỳ họp bất thường cũng dự kiến xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách, gồm: Giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan năm 2021; bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2021; điều chỉnh vốn vay lại của các địa phương năm 2022.

hop Quoc hoi bat thuong anh 1

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quốc hội.

3 dự án luật dự kiến trình tại kỳ họp bất thường gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Với nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết số 54, theo Tổng thư ký Quốc hội, Chính phủ đề nghị chưa đưa vào chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2 do chưa chuẩn bị kịp và chưa có kết luận của Bộ Chính trị.

Thông tin thêm nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bằng văn bản về nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đề xuất của Chính phủ chưa có đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn cho việc sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý hỗ trợ/thanh toán các hợp đồng dự án giao thông BOT. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến.

Về thời gian và hình thức họp, Tổng thư ký Quốc hội đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, trường hợp toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường chưa kịp xem xét đủ điều kiện trong tháng 12, đề nghị tổ chức họp sau Tết Quý Mão (trong tháng 2/2023) và theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Phương án 2, nếu toàn bộ nội dung trình tại kỳ họp bất thường được xem xét xong trong tháng 12 đủ điều kiện trình, đề nghị tổ chức họp trước Tết Quý Mão (đầu tháng 1/2023) theo hình thức họp trực tuyến kết hợp họp tập trung.

Trong đó, họp trực tuyến để thảo luận, cho ý kiến, còn họp tập trung để biểu quyết các nội dung (hoặc nếu xét thấy việc đi lại dịp Tết khó khăn thì có thể họp trực tuyến cả kỳ).

“Việc tổ chức kỳ họp vào tháng 1/2023 nên tiến hành theo hình thức này là để phù hợp với thời điểm các địa phương phải tập trung vào việc triển khai công tác năm 2023 và các hoạt động trước Tết Nguyên Đán”, ông Cường nói.

Dự kiến, trong kỳ họp bất thường, Quốc hội có thể làm việc 4 ngày hoặc 6,5 ngày.

Tổng thư ký Quốc hội cho rằng nếu tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1 sẽ rất gấp, hơn nữa thời điểm tổ chức sát Tết cổ truyền. Do vậy, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn phương án 1.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.

Quốc hội chốt bổ sung 'nơi sinh' vào mẫu hộ chiếu mới

Với việc thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội thống nhất nhiều chủ trương quan trọng như bổ sung nơi sinh vào mẫu hộ chiếu mới, tiếp tục thực hiện cơ chế đặc thù cho TP.HCM.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm