Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhạc sĩ Quốc Trung: Nghệ sĩ không sợ nhiều luật

"Nghệ sĩ không sợ nhiều luật, không sợ ít luật, mà sợ luật không rõ ràng, không cụ thể", nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ khó khăn của người làm sáng tạo khi tác phẩm vướng các quy định.

Vấn đề kiểm duyệt sản phẩm phim ảnh và chương trình âm nhạc là nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm, đóng góp ý kiến trong phần thảo luận bàn tròn của Hội thảo Văn hóa 2022, ngày 17/12.

Theo đó, GS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia, chỉ ra những hạn chế trong cơ chế quản lý các sản phẩm giải trí lưu hành trên thị trường.

Bà cho rằng cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và nhấn mạnh những gì pháp luật không cấm thì công dân, tổ chức, nhà sản xuất có quyền làm. Từ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, đa dạng văn hóa.

Giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm

Trao đổi thêm về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Tạ Quang Đông cho rằng Luật Điện ảnh vừa được thông qua cập nhật nhiều kinh nghiệm phát triển điện ảnh thế giới. Trong đó có vấn đề được quan tâm là tiền kiểm và hậu kiểm.

"Hậu kiểm hay tiền kiểm chỉ là phương pháp. Quan trọng là chúng ta quản lý tốt được hệ thống sản phẩm lưu hành, hướng tới giảm tiền kiểm mà tăng hậu kiểm thông qua phản hồi trên mạng xã hội và rạp phim", ông Đông nói.

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng cho rằng cơ chế trên phù hợp với tình hình thực tế nhưng phải đi kèm cùng giải pháp tăng cường kiểm tra, xử phạt để thực hiện nghiêm minh cơ chế này.

Cùng quan điểm, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng xu thế chung của thế giới là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm phù hợp với bối cảnh chung khi văn hóa ngày càng đa dạng và phong phú.

Đồng thời, sức sáng tạo về văn hóa lớn nên cần cơ chế để thúc đẩy phát triển. Ông Sơn nhìn nhận cơ chế hậu kiểm chính là để làm việc này.

"Chúng ta hậu kiểm không có nghĩa là không có tiền kiểm mà phải thông qua các quy định để nghệ sĩ biết được làm gì và không làm gì. Cơ chế này giúp tăng cường trách nhiệm của nghệ sĩ đối với sản phẩm của mình và giúp sản phẩm, hàng hóa nhanh đến với thị trường hơn", ông Sơn nói.

Nghệ sĩ sợ luật không rõ ràng

Ở góc độ người làm nghệ thuật, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ không bị giới hạn bởi những quy định pháp luật.

"Nghệ sĩ không sợ nhiều luật, không sợ ít luật, mà sợ luật không rõ ràng, không cụ thể. Khi tác phẩm bị vướng vào các quy định như vậy sẽ gây khó khăn lớn cho người làm sáng tạo", ông Trung nói.

Theo ông, trong xây dựng chiến lược văn hóa, công tác xây dựng pháp luật cần được chú trọng. Người làm văn hóa cần những quy định pháp luật đi trước để mở hành lang phát triển, chứ không chỉ là giải quyết các vấn đề cũ.

kiem duyet phim anh anh 1

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ quan điểm về việc áp dụng những quy định pháp luật đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ảnh: Phạm Thắng.

Trong bài tham luận gửi đến hội thảo, nhạc sĩ cũng nêu quan điểm không phản đối việc kiểm duyệt cấp phép những chương trình ca nhạc nhưng đã đến lúc cần thay đổi việc này.

Theo ông Trung, nếu công tác kiểm duyệt vẫn đang loay hoay xét duyệt, phúc khảo bài hát có tuổi đời hơn nửa thế kỷ thì sẽ rất ít cơ hội cho những sự thể nghiệm đôi khi mang tính phá cách của lớp trẻ.

"Tôi tự đặt cho mình ở hoàn cảnh nếu mời dàn nhạc giao hưởng London hay một nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng thế giới vào Việt Nam biểu diễn tác phẩm khí nhạc, mà vẫn phải mời hội đồng phúc khảo tới duyệt chương trình thì thế giới sẽ không biết đến Việt Nam như một đất nước thân thiện và có những đòi hỏi thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao", nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Ông cho rằng việc kiểm duyệt cần phải được nhìn nhận là những hướng dẫn, định hướng mang tính ủng hộ, hỗ trợ cho các nhà sản xuất tư nhân.

Theo đó, thay vì kiểm soát hay soi xét, nghệ sĩ cần được trao những trách nhiệm với cộng đồng, với khán giả và cả sự hợp tác với cơ quan quản lý thay vì lẩn tránh, gian dối hay đối đầu. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể cấp phép, xét duyệt bằng văn bản, đi kèm là những cam kết và chế tài nghiêm khắc.

Theo ông, điều này mang lại sự thuận tiện, hậu thuẫn, tiết kiệm thời gian, nhân lực và kinh phí cho các nhà sản xuất. Sự quản lý và kiểm duyệt cũng cần có sự đồng nhất, tránh những cảm tính cá nhân.

"Cần có những quy định, luật định rõ ràng, tỉ mỉ. Cho dù những quy định ấy có thể có những đặc thù và khắt khe thì vẫn sẽ nhận được sự đồng lòng của tất cả", nhạc sĩ Quốc Trung nêu quan điểm.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

TP.HCM muốn xây bảo tàng điện ảnh phục vụ Nam Bộ và cả nước

Đề cập giải pháp ưu tiên phát triển công nghiệp điện ảnh, TP.HCM cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng bảo tàng nhằm lưu giữ tất cả hình ảnh, hiện vật về điện ảnh Nam Bộ và cả nước. 

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Cần tăng mức đầu tư cho văn hóa

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng văn hóa cần được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển và đề xuất tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách Nhà nước.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm