Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM muốn xây bảo tàng điện ảnh phục vụ Nam Bộ và cả nước

Đề cập giải pháp ưu tiên phát triển công nghiệp điện ảnh, TP.HCM cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng bảo tàng nhằm lưu giữ tất cả hình ảnh, hiện vật về điện ảnh Nam Bộ và cả nước. 

Tại Hội thảo Văn hóa 2022 sáng 17/12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đại diện cho địa phương trình bày tham luận về tiềm năng, định hướng phát triển cho công nghiệp điện ảnh và âm nhạc ở TP.HCM.

Theo đó, ông Đức nhận định hiện trạng ngành công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều vấn đề do hạn chế từ chính sách.

Cụ thể, lực lượng lao động thiếu các kỹ năng quản lý và kinh doanh chuyên nghiệp; công nghệ số hóa chưa được ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ; cơ chế chính sách, ưu đãi về thuế và các yếu tố khác chưa tạo động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực văn hóa.

"Tuy có nhiều bứt phá mạnh mẽ, âm nhạc và điện ảnh thành phố vẫn chưa được gọi là những nền công nghiệp đúng nghĩa. Có lẽ chúng ta cần thật sự xem âm nhạc và điện ảnh như một sản phẩm được đầu tư, đóng gói và quảng bá rộng rãi để tiến tới xây dựng nền công nghiệp thực thụ", theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM.

Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5,7% GRDP của thành phố và góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Đồng thời, địa phương phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh.

bao tang dien anh anh 1

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trình bày tham luận tại Hội thảo Văn hóa 2022 sáng 17/12. Ảnh: Phạm Thắng.

Về giải pháp, lãnh đạo TP.HCM cho biết sẽ nghiên cứu phương án thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa để kết nối, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ nguồn lực, phát huy giá trị sáng tạo, mở rộng thị trường…

Việc này nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.

Đồng thời, thành phố sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư trọng điểm các công trình nhà hát, trung tâm giải trí đạt chuẩn quốc tế.

Địa phương cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển thành phố các khu công nghiệp văn hóa, trong đó có các dịch vụ văn hóa như phim trường, trung tâm biểu biễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa…

Ở lĩnh vực điện ảnh, địa phương nghiên cứu xây dựng bảo tàng điện ảnh nhằm lưu giữ tất cả hình ảnh, hiện vật về điện ảnh Nam Bộ, TP.HCM và cả nước.

Cùng tham gia đóng góp ý kiến nhưng ở góc độ khác, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình chỉ ra những bất cập, khó khăn trong thực hiện chính sách và huy động nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống như việc khoanh vùng bảo vệ di tích.

Theo ông Bình, nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế; đồng thời, tồn tại khó khăn trong việc huy động nguồn lực để thực hiện công tác thu hồi (hồi hương) các di vật, cổ vật, bảo vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài.

Để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách và huy động nguồn lực trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa như xây dựng, đầu tư công, đất đai...

Đồng thời, địa phương đề xuất bổ sung nội dung khuyến khích hồi cố cổ vật; xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Việc này nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, ông Bình cũng đề nghị bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ bố trí kinh phí để thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực di tích kinh thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế và các dự án tu bổ, tôn tạo di tích mà địa phương đề nghị có sự hỗ trợ từ nguồn vốn Trung ương.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Cần tăng mức đầu tư cho văn hóa

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng văn hóa cần được xem là mục tiêu của mọi sự phát triển và đề xuất tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách Nhà nước.

Đưa giáo dục giá trị văn hóa, con người vào trường học

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh cần tập trung chỉ đạo, đưa vấn đề giáo dục giá trị vào trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ phổ thông tới đại học.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm