Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có công văn gửi Bộ Ngoại giao xác minh thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật đang được đấu giá tại Pháp gồm ấn vàng và bát vàng triều Nguyễn.
Trong đó, Bộ Văn hóa đề nghị xác minh những nội dung như chủ sở hữu, tính hợp pháp của 2 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…
Ảnh ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trên website của hãng đấu giá MILLON |
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp khẩn trương làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON, căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá để đề xuất phương án “hồi hương” 2 cổ vật nêu trên về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, website chính thức của hãng đấu giá MILLON (thành lập năm 1928, trụ sở chính tại Paris, Pháp), đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có 2 cổ vật của triều Nguyễn gồm một ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và một bát vàng triều Khải Định (1917-1925). Phiên bán đấu giá hai cổ vật nêu trên dự kiến được tiến hành vào 11h ngày 31/10 (giờ Paris).
Căn cứ thông tin đăng tải trên website của hãng đấu giá MILLON và ý kiến của một số chuyên gia về cổ vật, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại trao cho đại diện Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều 30/8/1945.
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trong ảnh tư liệu. |
Bộ Văn hóa cho biết thông tin cần được xác định chính xác thông qua các đánh giá và giám định chuyên môn. Tuy nhiên nếu đây đúng là ấn "Hoàng đế chi bảo" thì bên cạnh ý nghĩa lịch sử, văn hóa... xét về khía cạnh chủ quyền sở hữu, chiếc ấn này được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử.
Thời gian qua, với sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc thực thi các hướng dẫn của Công ước UNESCO 1970, một số nước đã điều tra và hoàn trả một số cổ vật có nguồn gốc Việt Nam, như Nhật Bản (chuông chùa Ngũ Hộ tỉnh Bắc Ninh năm 1978), Đức (18 cổ vật năm 2018), Mỹ (trao trả cổ vật buôn bán trái phép vào Mỹ năm 2022)…
Những năm gần đây, một số cá nhân, tổ chức đã tham gia đấu giá cổ vật có nguồn gốc Việt Nam và hiến tặng cho các bảo tàng, di tích, như xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn được đưa về năm 2022.