Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đầu tư, kinh doanh nói chung và hoạt động kinh doanh vận tải nói riêng, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT cho thí điểm trong 2 năm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách trên 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Chính phủ đồng thời giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố nêu trên hướng dẫn việc triển khai thực hiện, bảo đảm quản lý chặt chẽ việc thí điểm.
Tuy nhiên, thực tế có một bộ phận cá nhân, đơn vị chưa đủ điều kiện kinh doanh vận tải nhưng sử dụng các phần mềm ứng dụng để hoạt động kinh doanh. Về việc này, Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Bộ GTVT đang xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng tại 5 địa phương nêu trên.
Trước đó, trả lời Zing.vn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, mô hình kinh doanh như Grab hay Uber hiện nay chỉ đơn thuần là cung cấp công nghệ, không phải là đơn vị vận tải.
"Muốn hoạt động vận tải, các đơn vị này phải đảm bảo hội tụ đủ các điều kiện về phương tiện, thiết bị, sân bãi… và được cấp phép. Uber, Grab nếu tự kinh doanh giao thông vận tải hay bắt tay với các cá nhân tham gia kinh doanh vận tải mà không có giấy phép là sai luật", ông Thọ nói.