Thông tin trên được ông Bùi Đức Thụ, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chia sẻ bên lề cuộc họp tại Quốc hội ngày 10/11.
Ông Thụ cho biết, nếu được Quốc hội thông qua, việc điều chỉnh lương cơ sở sẽ được thực hiện từ ngày 1/5/2016, với mức tăng là 5%, tương đương tăng từ 1,15 triệu đồng lên 1,21 triệu đồng (60.000 đồng). Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công có hệ số dưới 2,34 và lực lượng vũ trang thì vẫn tiếp tục mức tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Chính phủ cũng giao cho các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Vì với mức tăng lương này, dự kiến ngân sách sẽ phải chi khoảng 11.000 tỷ đồng cho năm 2016.
Dù mức tăng lương cơ sở năm 2016 có thể chỉ là 60.000 đồng một tháng nhưng đây đã là sự cố gắng lớn của Chính phủ trong điều kiện khó khăn về ngân sách. Ảnh: Anh Tuấn. |
"Thực chất thì tăng 60.000 đồng là quá thấp, nhưng do lương còn tính theo hệ số, nên mức này cũng sẽ cải thiện một phần đời sống của cán bộ công chức, người làm công ăn lương. Đây cũng là một sự cố gắng của Chính phủ, vì để có 11.000 tỷ là không đơn giản chút nào. Năm nay, ngân sách cũng chỉ cân đối được một phần từ nguồn tiết kiệm 14.000 tỷ của ngành giao thông", ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho hay.
Ông Lợi cũng khẳng định, việc tăng lương đã được Chính phủ dự kiến từ trước, với mức lên tới 8,9% . Tuy nhiên, do không đảm bảo được nguồn tiền, nên buộc phải "liệu cơm gắp mắm".
"Ban đầu Chính phủ muốn tăng lương thêm 100.000 đồng. Theo tính toán, với mức tăng này, ngân sách sẽ phải gánh khoảng 29.000 tỷ dồng. Nếu tính cả mức tăng cho lực lượng vụ trang, cả người có công... nữa thì con số sẽ lên tới 35.000 tỷ đồng", ông Lợi nói.
Trước đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách mới đây, việc tăng lương cơ sở là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra. Theo các đại biểu, 3 năm qua do ngân sách khó khăn nên nhà nước chưa điều chỉnh lương cơ sở, khiến đời sống của một bộ phận cán bộ, viên chức gặp khó khăn. Do đó, các đại biểu thống nhất việc điều chỉnh tiền lương là cần thiết và cấp bách.
Riêng đối với vấn đề xe công, ông Thụ cho hay, các đại biểu cũng khẳng định, nếu vẫn giữ cung cách quản lý như hiện nay rất lãng phí. Các đại biểu đề nghị trong năm 2016 cần triệt để tiết kiệm mua sắm xe công và đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán để hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến trên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất đưa vào dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 quy định về đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán xe công.
Quốc hội giao cho Chính phủ rà soát lại cơ chế, phương thức, cách làm, đối tượng khoán bảo đảm thực hiện hiệu quả và tiết kiệm. Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, thắt chặt tài khóa, hạn chế tổ chức các đoàn đi nghiên cứu khảo sát nước ngoài; tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo lễ hội, khánh tiết…