Trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 9, Thú trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, theo dự toán, thu ngân sách sẽ khoảng 911.1000 tỷ đồng, nhưng thực hiện ước vượt 16.400 tỷ đồng. Trong số này, thu địa phương vượt 47.000 tỷ đồng, nhưng trung ương lại hụt hơn 31.000 tỷ đồng.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội kiến nghị xin bán bớt vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước để bù đắp thiếu hụt ngân sách trung ương. "Trong số thu 40.000 tỷ, Bộ kiến nghị dùng 10.000 tỷ đồng để bù đắp hụt thu", bà Mai cho biết.
Phần còn lại, theo đại diện Bộ Tài chính, sẽ lấy từ các nguồn khác như thu rốt ráo nợ thuế tại các cơ sở nộp thuế lớn như Liên doanh dầu khí Việt Xô, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, đối tượng đã có kết luận về thuế tiêu thụ đặc biệt của thanh tra Chính phủ. Số thuế nợ đọng hiện là khoảng 34.000 tỷ đồng, và Bộ Tài chính sẽ thực hiện rốt ráo để có thể thu được ở mức cao nhất.
Tuy nhiên, bà Mai cũng khẳng định, sẽ cố gắng sử dụng ít nhất trong số 10.000 tỷ đồng bán vốn Nhà nước để bù đắp ngân sách. Thay vào đó, Bộ sẽ rà soát để thắt chặt chi tiêu. "Bộ ngành nào chưa sử dụng hết dự toán thì sẽ kiến nghị không cho chuyển nguồn sang năm sau, trừ khi có quy định của pháp luật. Ngoài ra, Bộ cũng xin sử dụng khoản dự phòng chi 3.500 tỷ đồng, khoản tiết kiệm chi thường xuyên 650 tỷ đồng để bù đắp hụt thu", bà Mai nói.
Ngân sách khó khăn, chưa bố trí được nguồn tăng lương
Về tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có lương từ 2,34 trở lên), ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương. "Thực hiện theo phương án đã báo cáo trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp tháng 3/2016", thông cáo của Chính phủ nêu rõ.