Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2016 cao nhất sẽ là 3,5 triệu đồng một tháng, thấp nhất 2,4 triệu đồng, cao hơn hiện nay 250.000-400.000 đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này). ​

Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2016.

Theo đó, lương tối thiểu áp dụng cho vùng 1 là 3,5 triệu đồng một tháng, vùng 2 là 3,1 triệu đồng, 2,7 và 2,4 triệu đồng mỗi tháng lần lượt là mức cho vùng 3, 4. Như vậy, lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 250.000-400.000 đồng mỗi tháng.

Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận...

Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, ban đêm, trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại. Chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động cũng phải đảm bảo.

Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định sẽ thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Nghị định này thay thế Nghị định 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014.

Để đi đến mức chốt tăng lương tối thiểu cuối cùng năm 2016, hai bên đại diện cho người lao động và phía doanh nghiệp là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phải trải qua nhiều phiên họp bàn căng thẳng.

Trong các phiên họp ngày 5/8 và 25/8, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam quyết giữ mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là trên 16% (tương đương 350.000-550.000 đồng). Trong khi VCCI bảo lưu phương án chỉ tăng tối đa là 10%.

Phiên họp cuối cùng diễn ra vào ngày 3/9, Hội đồng tiền lương quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016 với mức tăng trung bình là 12,4%, tương đương 250.000-400.000 đồng. Theo đó, mức lương vùng 1 là 3,5 triệu; vùng 2 là 3,1 triệu; vùng ​3 là 2,7 triệu và vùng 4 2,4 triệu đồng. Tuy nhiên, cả 2 bên đều cho biết không thỏa mãn.

Dù mức tăng lương tối thiểu đã chốt ở mức tăng 12,4% song sau một thời gian ngắn, Tổng liên đoàn Lao động vẫn chưa thỏa mãn và trình Chính phủ đề xuất mức này là 14,4%. Tuy nhiên, đơn đề nghị không được chấp thuận.​ Mức tăng áp dụng từ ngày 1/1/2016 nói trên tương ứng với phương án tăng 12,4%.

Vì sao lương tối thiểu 2016 chỉ tăng cao nhất 400.000 đồng?

Đại diện doanh nghiệp muốn lương tối thiểu cao nhất 3,4 triệu đồng song người lao động muốn tăng lên 3,65 triệu. Cuối cùng, phương án chốt ở 3,5 triệu, tăng 400.000 đồng, như 2015.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm