Chính phủ sẽ không cố gắng định danh Grab mà căn cứ vào việc hãng này làm những gì để có quy định quản lý cụ thể. Đó là phát biểu của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia, tại buổi toạ đàm nhận diện “cuộc chiến” taxi truyền thống và taxi công nghệ do báo Lao động tổ chức vào chiều 6/12.
Giữa lúc các hãng taxi truyền thống đang loay hoay cạnh tranh ở lĩnh vực vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi với Grab, ông Khuất Việt Hùng đã chia sẻ những quan điểm rất mới mẻ trong việc tiếp cận xây dựng Nghị định 86 mới thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Ông Khuất Việt Hùng. Ảnh: Công Khanh. |
Theo ông Hùng, các hãng taxi truyền thống mới chỉ đang cạnh tranh với Grab ở lĩnh vực vận tải hành khách, trong khi hãng công nghệ Malaysia đã có thêm dịch vụ vận chuyển đồ ăn, vận chuyển hàng hóa, thậm chí có thể “bắt khách” dọc đường như taxi. Điều này cho thấy việc xây dựng Nghị định 86 mới không đơn thuần chỉ là việc quản Grab như taxi hay không mà còn tính đến cả nền tảng ứng dụng (platform).
“Tôi không gọi Grab là hãng taxi công nghệ mà tôi gọi đây là doanh nghiệp kinh doanh nền tảng công nghệ. Khi doanh nghiệp sử dụng nền tảng đó gắn với lĩnh vực vận tải thì họ phải thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải”, ông nói.
Ông Hùng nhấn mạnh không nên cố định danh Grab là taxi hay không mà chỉ cần gọi đây là một loại hình kinh doanh theo nền tảng công nghệ. Họ dùng nền tảng này làm gì thì sẽ sẽ phải đáp ứng điều kiện kinh doanh của lĩnh vực ấy.
“Ví dụ như Vingroup khi xây nhà, bán nhà thì họ theo quy định của Bộ Xây dựng, khi họ sản xuất xe phải theo quy định của Bộ Công Thương, khi họ muốn lưu hành xe phải qua đăng kiểm của Bộ GTVT, họ có bệnh viện VinMec thì phải theo quy định của Bộ Y tế”, ông Hùng nói.
Theo đó nền tảng của Grab (mà hãng này thường gọi là siêu ứng dụng) khi dùng trong lĩnh vực vận tải thì phải đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải, khi dùng để làm dịch vụ GrabFood thì phải có quy định tương ứng, khi dùng để vận chuyển hàng hóa cũng vậy…
Riêng về lĩnh vực vận chuyển hành khách, ông Hùng cho rằng Grab tương tự như taxi, do đó quy định sắp tới sẽ tương đồng với taxi truyền thống. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cả Grab và taxi truyền thống sẽ được dự thảo Nghị định 86 mới coi là “một loại taxi hoàn toàn mới”.
Nghĩa là không “kéo” Grab về giống taxi như hiện tại. Điều kiện kinh doanh cho “loại taxi hoàn toàn mới” sẽ rất cởi mở, khuyến khích được ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực giao thông vận tải, đảm bảo bình đẳng, không có những thủ tục rườm rà…
Grab khi tham gia vận chuyển hành khách được coi là kinh doanh vận tải. Ảnh minh họa. |
Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh dự thảo Nghị định 86 của Bộ GTVT lần này xây dựng theo hướng tất cả xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải được điều hành tập trung (bằng bộ đàm hoặc bằng nền tảng công nghệ kết nối) là taxi. Ngược lại xe kinh doanh vận tải rời rạc sẽ là xe hợp đồng.
“Một tập đoàn kinh doanh mặt hàng gì thì phải theo luật của lĩnh vực đó. Grab đang làm vận tải thì phải theo quy định kinh doanh vận tải. Chúng ta không định danh, mà phải theo bản chất để áp dụng quy định”, ông Hùng lý giải.
Ông Hùng cũng bày tỏ lo lắng khi toàn bộ xe Grab được chuyển thành “taxi kiểu mới”, cùng với việc áp dụng Luật Quy hoạch mới, sẽ không còn giới hạn số lượng taxi tại đô thị nữa. Điều này dẫn đến việc các hãng taxi truyền thống hiện nay sẽ bị cạnh tranh và mất luôn lượng khách vẫy dọc đường, trong khi đây vốn là lượng khách “lợi thế” của taxi truyền thống.
“Cả Hiệp hội taxi Hà Nội và TP.HCM đều khẳng định với tôi họ sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng. Tôi rất mừng”, ông nói.
Trao đổi riêng với Zing.vn, ông Hùng cho biết Bộ GTVT đang xin ý kiến các thành viên Chính phủ về nội dung dự thảo Nghị định 86 mới. Ông kỳ vọng đến khoảng tháng 3/2019, Nghị định mới được ban hành.