Những ngày gần đây, nhiều cửa hàng trà sữa của một số thương hiệu nổi tiếng tại TP.HCM chứng kiến cảnh rất đặc biệt khi hàng chục tài xế xe ôm công nghệ trong màu áo xanh đỏ của hai hãng Grab và Go-Viet xếp hàng dài chờ lấy nước.
Go-Viet khuyến mãi lớn "làm quen" khách hàng
“Cảnh tượng này xảy ra là do hiện Go-Viet và Grab cùng lúc đua nhau khuyến mãi trong dịch vụ giao nhận thức ăn. Go-Viet áp dụng chương trình giảm giá tới 50% tại nhiều thương hiệu trà sữa, đồng thời khách hàng được miễn phí cả tiền giao tận nơi nên mới có nhiều người đặt như vậy”, anh Nguyễn Đức Huy, tài xế của Go-Viet, giải thích.
Tài xế 2 hãng Grab và Go-Viet xếp hàng dài chờ đợi lấy hàng tại TP.HCM. |
Theo anh Huy, vì có chương trình khuyến mãi mà số lượng đơn hàng giao nhận thức ăn của các tài xế như anh trong 1-2 tuần trở lại đây tăng đột biến. Có những ngày, số đơn hàng giao đồ ăn của anh tương đương, hoặc thậm chí nhiều hơn số cuốc xe nhận chở khách.
Dịch vụ giao nhận thức ăn Go-Food của Go-Viet mới ra mắt được gần 2 tháng nay. Để triển khai, trước đó, ứng dụng gọi xe công nghệ đến từ Indonesia đã cấp tập chiêu mộ và đào tạo tài xế sử dụng dịch vụ cũng như các quy trình thực hiện giao nhận món.
Có mặt ở TP.HCM hồi tháng 9, Go-Viet đã tung khuyến mãi khủng đồng giá 5.000 đồng/chuyến đi để giành khách hàng của Grab. Chương trình này được đánh giá khá thành công khi thu hút được nhiều người, góp phần chia nhỏ “miếng bánh” xe ôm công nghệ mà nhiều ngươi cho rằng Grab đang độc quyền.
Trong lần ra mắt dịch vụ mới giao nhận đồ ăn này, Go-Viet cũng áp dụng một chiêu thức tương tự để khách hàng “làm quen”.
Cụ thể, Go-Viet đã kết hợp một số thương hiệu trà sữa quen thuộc với giới trẻ TP.HCM để giảm giá 50% và miễn phí giao trong phạm vi 5 km đầu tiên. Ngoài ra, các thương hiệu thức ăn khác cũng giảm 20-30% và miễn phí giao hàng.
Grab không chịu thua đối thủ
Trước khuyến mãi rầm rộ của Go-Viet, Grab cũng không thể khoanh tay đứng nhìn khi đối thủ bắt đầu nhảy vào thị phần giao nhận thức ăn, dịch vụ mà Grab đã ra mắt gần nửa năm nay.
“Dù chạy GrabFood song song với nhận khách đặt xe nhưng chưa bao giờ tôi lại có được nhiều đơn hàng giao nhận thức ăn như vậy trong một tháng qua. Số lượng khách hàng gọi món tăng gấp 3-4 lần so với trước, nhất là lúc cao điểm”, một tài xế của Grab đang chờ lấy trà sữa khách đặt tại một cửa hàng trên đường D2 (quận Bình Thạnh) khẳng định.
Theo anh, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này tăng mạnh gần đây vì Grab tung nhiều khuyến mãi cạnh tranh với các hãng khác, đặc biệt là Go-Viet.
Anh cho biết thêm từ khi ra mắt vào giữa năm nay, GrabFood không có nhiều khuyến mãi hấp dẫn và liên tục như vậy cho đến khi dịch vụ tương tự của Go-Viet ra đời. Grab đã áp dụng những khuyến mãi thậm chí còn hấp dẫn hơn Go-Viet trong một tháng qua, tài xế này nói.
Grab tung nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng hơn từ khi ra mắt dịch vụ gần nửa năm nay. |
Cụ thể, với những khách hàng lần đầu sử dụng, Grab miễn phí toàn bộ đơn, khách chỉ việc thanh toán phí giao hàng cho tài xế. Ngoài ra, hãng này cũng thường xuyên có những chương trình 999 ly trà sữa 0 đồng của các thương hiệu nổi tiếng và khách chỉ cần trả tiền ship (giao hàng).
Bên cạnh đó, ông lớn ứng dụng gọi xe công nghệ này cũng có nhiều khuyến mãi giảm giá từ 30.000-60.000 đồng cho từng đơn để thu hút khách hàng. Hiện tại, so với Go-Viet mới gia nhập mảng giao nhận thức ăn, Grab có phần nhỉnh hơn về số lượng đối tác, các món ăn, cửa hàng, thương hiệu cũng đa dạng và phong phú hơn.
Ai là người thắng cuộc?
Tối 30/11, hàng chục tài xế Go-Viet trong màu áo đỏ đậu xe xếp hàng dài tại một cửa hàng trà sữa nổi tiếng trên đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) để chờ nhận nước theo đơn hàng khách đặt.
Tại đây, vì quá đông, số lượng xe máy tràn xuống đường làm ảnh hưởng người đi bộ nên lực lượng chức năng phải yêu cầu “giãn quân”. Nhiều tài xế đã tranh thủ lượn một vòng “hóng mát” nhường chỗ cho các đồng nghiệp của mình rồi quay lại.
Trong khi đó, một cửa hàng trà sữa khác trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) có hơn 20 tài xế của cùng lúc của 2 hãng Go-Viet và Grab đang xếp hàng ngay ngắn chờ được gọi tên giao nước.
Các đơn hàng tại 2 quán trà sữa này và nhiều cửa hàng khác đều được Go-Viet và Grab giảm đến 50%, kèm giao hàng miễn phí nên được rất nhiều thực khách order (đặt hàng) vào buổi chiều tối.
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, từng cho biết việc có thêm dịch vụ giao nhận thức ăn là bước mở rộng của ứng dụng này trong tham vọng xây dựng một “siêu ứng dụng”.
Tương tự, từ khi đặt chân vào Việt Nam, Go-Viet với sự hậu thuẫn của Go-Jek cũng đã tham vọng có được một “siêu ứng dụng” với các dịch vụ ngoài di chuyển như giao nhận thức ăn, thanh toán không dùng tiền mặt, đi chợ… như mô hình tại Indonesia.
Theo đánh giá của Euromonitor, mảng giao nhận thức ăn tại Việt Nam có giá trị khoảng 33 triệu USD trong năm nay và tăng lên 38 triệu USD trong 2 năm tới. Vì vậy, đây là một lĩnh vực hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài.
Dù chưa thể khẳng định phần thắng sẽ vào tay ai nhưng sau xe ôm công nghệ, hiện Grab và Go-Viet đang tiếp tục đối đầu trong một cuộc chiến mới: cuộc chiến “đốt tiền” tranh giành “miếng bánh” giao nhận thức ăn.