Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai được lợi trong cuộc chiến giao đồ ăn của Grab và Go-Viet?

Liên tục tung chiêu khuyến mãi khủng để khách hàng làm quen dịch vụ giao nhận đồ ăn, cả Grab và Go-Viet đang đua nhau “đốt tiền” trong một cuộc chiến mới.

Gần một tháng nay, bên cạnh chạy xe ôm, các tài xế của hai hãng Grab và Go-Viet tại TP.HCM còn nhận thêm được rất nhiều đơn hàng giao nhận đồ ăn, đặc biệt là cà phê và trà sữa.

Khách hàng của họ đa phần là sinh viên và dân văn phòng làm việc ở trung tâm thành phố cũng như các khu vực lân cận.

"Giá giảm một nửa, ngại gì không uống"

Sau giờ ăn trưa những ngày gần đây, Th.Vy và gần chục đồng nghiệp làm việc tại một văn phòng trên đường Võ Thị Sáu (quận 3, TP.HCM) lại nhộn nhịp order (đặt hàng) trà sữa trên ứng dụng của Go-Viet.

"Mỗi ly trà sữa có giá gần 60.000 đồng khi uống tại cửa hàng, bình thường tôi cũng tiếc tiền lắm nhưng giờ thì thoải mái. Đặt qua ứng dụng được giảm 50%, lại được giao hàng miễn phí thì ngại gì không uống”, Vy cho hay.

Trà sữa, vì thế, trở thành thức uống quen thuộc của nữ nhân viên văn phòng này. Vy cho biết thêm số lượng cửa hàng và thức uống khá phong phú, lại có nhiều chương trình giảm giá khác nên có thể đổi món nếu hôm nào… ngán trà sữa quá.

“Cả phòng của tôi có gần 10 nhân viên, mỗi lần đặt hàng như vậy cũng chỉ tốn từ 200.000-300.000 đồng, tiết kiệm khá nhiều so với giá gốc. Hàng lại được giao hàng tận nơi mà không phải đội nắng đi mua hay uống trực tiếp tại cửa hàng nên rất tiện”, Vy cho hay.

Trong khi đó, chương trình khuyến mãi của Grab thậm chí còn hấp dẫn hơn với nhiều món 0 đồng của các thương hiệu và được thay đổi liên tục mỗi ngày. Khi đặt, khách hàng chỉ cần thanh toán tiền giao tùy quãng đường.

Anh Phan Nguyên (quận Bình Thạnh) cho biết vì có những chương trình giảm giá thế này anh mới dùng thử dịch vụ thức ăn tận nơi của Grab. Là khách hàng quen của hãng nhưng chủ yếu anh Nguyên chỉ dùng GrabCar hoặc thỉnh thoảng là GrabBike nếu giá tăng vào giờ cao điểm.

“Không chỉ đặt trà sữa cho bọn trẻ, thỉnh thoảng, vợ chồng tôi cũng gọi luôn món ăn cho bữa chiều tối mà khỏi phải vào bếp. Ngồi tại nhà nhận món nhưng giá rẻ hơn từ 20-50% thì quá tốt”, anh Nguyên hào hứng.

Tuy nhiên, ngoài giá, điều khiến anh hài lòng hơn cả là dịch vụ khách hàng của hai hãng này trong quá trình cạnh tranh gay gắt.

“Trước đó, tôi từng nghe một số người phàn nàn dịch vụ tài xế trong việc giao nhận món ăn, đặc biệt với đơn khuyến mãi nhưng từ khi dùng thời gian qua, tôi thấy các anh rất tận tình. Có thể là do cạnh tranh nên khách hàng nhận được giá thành và chất lượng dịch vụ tốt như vậy”, anh Nguyên nói.

Thu nhập tài xế tăng cao

Hàng loạt cửa hàng cà phê, trà sữa thuộc thương hiệu nổi tiếng đặt tại khu vực các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận tấp nập tài xế của Grab và Go-Viet xếp hàng dài chờ gọi và nhận món để giao cho khách là cảnh tượng lạ cả tháng nay ở TP.HCM.

Trong khi cả Grab và Go-Viet đua nhau “đốt tiền” khuyến mãi cho cuộc chiến mới - cuộc chiến giao nhận thức ăn, nhằm làm quen khách hàng thì không chỉ người mua được hưởng lợi mà đối tác của hai hãng cũng có thêm nhiều thu nhập.

Ai duoc loi trong cuoc chien ‘dot tien’ giao do an cua ‘Grab vs Go-Viet’? anh 3
Cuộc chiến đốt tiền của Grab và Go-Viet đang khiến cánh tài xế có nhiều đơn hàng, góp phần tăng thu nhập mỗi ngày.

Anh Tuấn (một đối tác của Grab) cho hay vì các chương trình khuyến mãi này mà gần đây anh có nhiều đơn hàng giao nhận thức ăn hơn. Tùy vào thời điểm trong ngày, nếu không có khách đặt xe, anh sẽ chuyển sang chạy GrabFood, vừa không để phí thời gian vừa có thêm tiền.

“Do đặc thù phải đảm bảo chất lượng món ăn nên thường khách hàng sử dụng dịch vụ này khá gần với cửa hàng đặt món để thời gian di chuyển là ngắn nhất. Vì vậy, ít có trường hợp chạy đi xa, cự ly ngắn mà có thêm tiền thì chúng tôi rất thích”, anh Tuấn nói.

Trong khi đó, các tài xế trong màu áo đỏ của Go-Viet lại được hãng hỗ trợ thu nhập tối thiểu 25.000 đồng cho mỗi đơn hàng, riêng 2 khung giờ cao điểm là trưa và chiều tối mỗi ngày, số tiền này lên đến 35.000 đồng/đơn.

Việc khuyến mãi kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ khiến tài xế chạy nhiều hơn, vì vậy, riêng thu nhập của từ việc chạy thêm cho Go-Food cũng khiến nhiều tài xế hồ hởi.

“Dịch vụ giao nhận thức ăn của Go-Viet mới ra giúp tài xế chúng tôi có thêm tiền nhưng không nghĩ thời gian đầu lại hoạt động tốt như vậy. So với trước đây, mỗi ngày chạy thêm 3-4 đơn hàng giao thức ăn là sống rất khỏe. Ngoài ra, khách hàng của dịch vụ này thường rất sộp, bao giờ cũng boa thêm”, anh Huy - một tài xế của hãng nói.

Theo anh Huy, hiện nhu cầu gọi món ngày một tăng nên nhiều đối tác của hãng đã bắt đầu “ôm” luôn giao nhận thức ăn bên cạnh rước khách như trước.

“Có thể thời gian đầu để hút khách hàng và tài xế, các hãng mới tung nhiều ưu đãi như vậy. Tôi thật tình không thể biết trước được thời gian tới, nếu hãng nào độc chiếm được thị trường thì tài xế chúng tôi lúc đó có chịu thiệt vì chiết khấu hoặc hỗ trợ giảm hay không. Tuy nhiên, hiện các hãng đang đấu nhau thì chúng tôi và khách hàng đều được lợi”, tài xế Huy phân trần.

Cửa hàng thức ăn nhỏ lẻ có khách nhiều hơn

Không chỉ các thương hiệu thức ăn nổi tiếng hợp tác với Grab và Go-Viet mà còn có một số cửa hàng nhỏ lẻ khác chưa được nhiều người biết đến.

Chủ một quán cà phê trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) cho hay từ khi cửa hàng xuất hiện trên ứng dụng gọi món của Grab, số lượng đơn hàng mỗi ngày tăng gấp 5-6 lần bình thường. Chị tiết lộ thời gian đầu có thể khuyến mãi nhưng khi khách hàng đã biết đến tên thương hiệu, địa chỉ thì sau đó rất dễ “giữ chân” họ.

Sau gọi xe công nghệ, thị trường gọi giao nhận thức ăn tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là béo bở khi nhu cầu sử dụng thức ăn bên ngoài của người Việt ngày càng nhiều và nó phù hợp với lối sống của giới trẻ.

Không riêng Grab hay Go-Viet mới nhảy vào vì mong muốn xây dựng một “siêu ứng dụng” ngoài việc phục vụ di chuyển, Delivery Now của Foody, Vietnammm, Lala… đã có mặt cách đây khá lâu và chỉ chuyên về giao nhận thức ăn.

Chương trình khuyến mãi của các ứng dụng này cũng không kém hấp dẫn so với Grab và Go-Viet. Tuy không thể biết được ai có nhiều tiềm lực để trụ lâu hơn nhưng trước mắt, khách hàng, tài xế và các cửa hàng thức ăn đang hưởng được nhiều lợi từ cuộc chiến “đốt tiền” này.

Grab và Go-Viet trong cuộc chiến giao đồ ăn ở Sài Gòn

Gần đây, tài xế Grab và Go-Viet thường xuyên xếp hàng dài tại các quán trà sữa ở TP.HCM để chờ nhận nước giao khách. Sau xe ôm, 2 hãng đang giành giật nhau trong 1 cuộc chiến mới.




Phúc Minh

Bạn có thể quan tâm