Cuộc chiến grab - go viet và sức mạnh của thị trường
Ở TP.HCM, tôi thấy bóng áo đỏ chạy quanh phố phường trên xe máy, thay vì chỉ một màu xanh lá cây của Grab. Và ở đầu cầu phía Bắc, câu chuyện “màu đỏ rũa màu xanh" lại bắt đầu.
Sau khi Uber rời bỏ thị trường Việt Nam bằng việc bán mình đổi cổ phần, Grab gần như “một mình một giang sơn” ở thị trường gần 100 triệu dân: Họ đơn giản là không còn đối thủ xứng tầm.
Tiềm năng thị trường nội địa to lớn khiến các nhà đầu tư Việt Nam sốt sắng đưa ra những phiên bản gọi xe công nghệ riêng để đối chọi, nổi bật có dịch vụ của Mai Linh Bike, VATO với đầu tư của Phương Trang, và một số start-up nhỏ khác như Aber và FastGo.
Tuy nhiên những hãng này chỉ tạo tiếng vang được lúc đầu mà không có tiến triển lớn, một số phải tạm dừng hoạt động. Việc đối đầu với những gã khổng lồ - dù chỉ trong khu vực - là hết sức khó khăn khi thiếu vốn, công nghệ, và nhân lực. Điều này khiến Grab nghiễm nhiên trở thành nhà độc quyền trong thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam.
Mặt trái của độc quyền và tay chơi mới
Và như mọi nhà độc quyền khác, Grab dường như muốn “hái quả ngọt” sau bốn năm đốt tiền trong cuộc chiến thương mại khốc liệt với Uber. Giá dịch vụ Grab bắt đầu tăng nhanh, chương trình khuyến mãi giảm, trong khi chiết khấu cho tài xế bị tăng lên đột ngột.
Nhiều cuộc “đình công” của các tài xế Grab diễn ra ở cả TP. HCM và Hà Nội, nhưng không thay đổi được nhiều. Trong khi đó, liên tục có những phàn nàn về chất lượng dịch vụ, thái độ của tài xế, và tốc độ hồi đáp của bên chăm sóc khách hàng. Kỳ trăng mật với vô số mã khuyến mãi đã kết thúc, người tiêu dùng bị kéo về hiện tại với mặt trái của độc quyền.
Thế nhưng thị trường công nghệ là một cuộc chơi khốc liệt, mà trong đó trạng thái cân bằng khó giữ được lâu. Chỉ sau gần 3 tháng “độc cô cầu bại”, start-up công nghệ Go-Jek đình đám ở Indonesia bước vào thị trường gọi xe ở Việt Nam với tên gọi Go-Viet.
Thị trường công nghệ là một cuộc chơi khốc liệt, mà trong đó trạng thái cân bằng khó giữ được lâu.
Đây là thách thức hoàn toàn khác so với các dịch vụ gọi xe nhỏ lẻ ở thị trường nội địa. Chủ sở hữu của họ, Go-Jek, xứng đáng là “thứ dữ” ở thị trường Đông Nam Á. Họ lần lượt đánh bại Uber và Grab để thống lĩnh thị trường hơn 300 triệu dân tại Indonesia. Nếu như Grab được hỗ trợ bởi SoftBank, đầu năm nay Google cũng đã khẳng định khoản đầu tư tại Go-Jek.
Xét về tiềm lực tài chính, khả năng cạnh trạnh, và chất lượng dịch vụ, rõ ràng Go-Viet đủ sức đấu tay đôi với Grab. Dễ thấy điều này ở ngay tháng đầu tiên xuất hiện, Go-Viet mở rộng với tốc độ kinh hoàng, tuyên bố chiếm 10% thị phần ở TP. HCM chỉ sau ba ngày.
Go-Viet đốt tiền qua những chiến dịch giảm giá sâu và giảm chiết khấu để mở rộng mạng lưới tài xế (điểm cốt yếu trong dịch vụ gọi xe, tạo tiện lợi cho người đặt). Grab đáp trả bằng những động thái tương tự, mở màn cho một cuộc chiến giành thị trường khốc liệt tiếp theo.
Sức mạnh của thị trường
Với tư cách là người dùng, dù quen sử dụng Grab và chưa có app Go-Viet, tôi ủng hộ sự xuất hiện của hãng này tại Việt Nam. Tuần trước khi vào TP. HCM, tôi đã thấy những bóng áo đỏ chạy quanh phố phường trên xe máy, thay vì chỉ một màu xanh lá cây của Grab như trước đây. Và có lẽ ở đầu cầu phía Bắc, câu chuyện “màu đỏ rũa màu xanh” sẽ bắt đầu khi Go-Viet mở dịch vụ tại Hà Nội trong hôm nay, 12/9.
Cạnh tranh có lợi cho cả khách hàng trung thành của Grab, bởi từ đây họ buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo mức giá vừa phải để giữ khách. Đó chính là sức mạnh của thị trường: Không cần bất kì bàn tay hữu hình nào, cạnh tranh sẽ điều chỉnh các hành vi của doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Không có ưu đãi cho bất kì ai trong cuộc đua. Sự phát triển như vũ bão của Grab dựa trên nền tảng công nghệ từ Uber, nhưng chính “kẻ cầm cờ” Uber lại thất bại trước những đàn em nhạy bén hơn với thị trường. Tương tự, khi Grab độc chiếm thị trường ở Việt Nam, đến lượt đối thủ của họ là Go-Jek thách thức.
Không cần bất kì bàn tay hữu hình nào, cạnh tranh sẽ điều chỉnh các hành vi của doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Thị trường tự do cạnh tranh mang đến lợi ích vô cùng lớn cho người tiêu dùng: Chưa lúc nào dịch vụ vận chuyển và vận tải nội đô lại trở nên dễ dàng với chi phí thấp đến như vậy.
Trong giai đoạn khởi đầu đẫm máu của Thế chiến thứ hai, Joseph Schumpeter, một trong những tư tưởng kinh tế vĩ đại nhất của thế kỷ 20, viết cuốn Chủ nghĩa tư bản, Chủ nghĩa xã hội, và dân chủ (Capitalism, Socialism, and Democracy). Cuốn sách sau đó trở thành một trong những tác phẩm kinh tế được trích dẫn nhiều nhất mọi thời đại, chỉ sau Tư bản luận (Karl Marx), và Nguồn gốc của cải các dân tộc (Adam Smith). Trong đó, Schumpeter đưa ra một khái niệm then chốt cho sự thịnh vượng và phát triển của xã hội: Sự hủy diệt mang tính sáng tạo (creative destruction). Theo đó, ông cho rằng sự hình thành, phát triển, lụi tàn của công nghệ - vốn tạo ra lợi nhuận cho doanh nhân - là tất yếu.
Một doanh nghiệp sẽ độc quyền lợi nhuận khi nắm lợi thế về công nghệ, nhưng thế độc quyền này nhanh chóng bị đe dọa bởi những doanh nghiệp khác có công nghệ mới hơn. Đó là câu chuyện chúng ta đã thấy qua sự sụp đổ của đế chế Nokia dưới gót chân của Apple và Samsung, của hãng máy ảnh Kodak, hay ngay tại Việt Nam - như thức uống vang bóng một thời xá xị Chương Dương.
Vòng xoáy sáng tạo liên tục hình thành các phát kiến mới và nghiền nát những trở lực cũ trên đường đi của nó, giúp cho xã hội ngày càng thịnh vượng. Đổi mới và tiến bộ, bởi vậy, là xu hướng không thể đảo ngược của lịch sử.
Nhà nước giữ vai nào?
Câu chuyện cạnh tranh trên thị trường tất nhiên sẽ dẫn đến vai trò của Nhà nước. Cạnh tranh chỉ công bằng khi diễn ra trong một khuôn khổ pháp lý ổn định, vững chắc, hạn chế những chiêu trò không lành mạnh, và tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp phát triển. Trong khi đó, vị thế độc quyền mang lại quyền lực và sức mạnh quá lớn cho người đứng đầu, bởi vậy họ luôn có xu hướng bảo vệ vị thế đó bằng mọi giá.
Ngược lại, với người tiêu dùng, độc quyền có xu hướng tác động tiêu cực tới lợi ích của họ. Rất khó có thể mong đợi có được một thị trường minh bạch, công bằng, mức giá cạnh tranh của một sản phẩm nào đó nằm trong tay một nhà độc quyền.
Nhà nước có nhiệm vụ thiết kế luật chơi để đảm bảo thị trường luôn có tính cạnh tranh, không bị thao túng bởi bất kì nhóm lợi ích nào.
Chúng ta hãy nhớ về thời kì cước viễn thông khi thị trường chỉ có VNPT, và mức giá dịch vụ khi Viettel và những nhà mạng khác tham gia. Cạnh tranh luôn mang lại giá trị cho người tiêu dùng. Bởi vậy, Nhà nước có nhiệm vụ thiết kế luật chơi để đảm bảo thị trường luôn có tính cạnh tranh, không bị thao túng bởi bất kì nhóm lợi ích nào. Hành động “tuýt còi” Grab vì thâu tóm Uber của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) hồi tháng 4 vừa qua là một ví dụ.
Tất nhiên, đảm bảo luật chơi không đồng nghĩa với việc Nhà nước tham gia vào hay can thiệp quá sâu vào trò chơi đó. Đây là nhiệm vụ khó khăn, và không ít áp lực, nếu chúng ta đặt thêm bối cảnh gọi xe công nghệ vẫn chỉ đang được coi là dịch vụ thử nghiệm và sức ép lớn từ các hãng taxi truyền thống.
#VOICES là chuyên mục mới của Zing.vn, quy tụ các bài quan điểm, góc nhìn sâu về chủ đề thời sự nóng. Các bài viết hướng tới sự khác biệt, văn minh, và lập luận dựa trên dữ liệu, chứng cứ.