“Những gì chúng ta đang chứng kiến (giữa Nga và Mỹ) về cơ bản là một cuộc chiến tranh lạnh mới”, Nikola Mikovic - nhà phân tích người Serbia chuyên nghiên cứu chính sách đối ngoại của Nga, Belarus và Ukraine - trả lời Zing ngày 28/12/2021.
Trong năm 2022, “căng thẳng giữa Nga và Mỹ dĩ nhiên sẽ duy trì ở mức cao độ. Quan hệ hai nước sẽ tiếp tục đi xuống”, ông Mikovic nhận định, giữa lúc căng thẳng giữa Nga và phương Tây đang bị hâm nóng trong thời gian qua vì vấn đề Ukraine.
Nga và Ukraine chứng kiến quan hệ hai bên rạn nứt sau bất ổn chính trị năm 2014, với việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Ít lâu sau, phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine nổi dậy đòi độc lập, lập ra hai nhà nước tự xưng ở các vùng Donetsk và Luhansk tại Donbass.
Thỏa thuận hòa bình Minsk II được ký năm 2015 sau đó rơi vào bế tắc vì Kyiv không muốn trao quy chế tự trị cho các khu vực ly khai, trong khi Nga quyết không trả lại quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine không chuyển giao quyền lực tại Donbas.
Gần đây, giới chức tình báo Mỹ cảnh báo Nga đang dồn quân gần biên giới để chuẩn bị tấn công Ukraine, trong khi Điện Kremlin phủ nhận. Theo Tổng thống Putin, Mỹ và đồng minh phương Tây mới là nguồn gốc gây ra căng thẳng vì cố gắng lôi kéo Ukraine sát lại Liên minh châu Âu (EU).
Điện Kremlin cũng cáo buộc Ukraine khiêu khích trước tiên. Tổng thống Putin cho rằng sự phân biệt đối xử của chính quyền Ukraine đối với người nói tiếng Nga ở miền Đông nước này “giống diệt chủng”, theo AFP.
Vị trí của Ukraine và các nước thành viên NATO trong tương quan với Nga. Đồ họa: BBC. |
Các cuộc thương lượng sắp tới khó đạt kết quả
Để tìm cách giảm căng thẳng, Nga và phương Tây đồng ý tổ chức 3 cuộc đàm phán chính thức trong các ngày 10-13/1.
Tuy nhiên, ông Mikovic nhận định các cuộc đàm phán sẽ không có kết quả, ít nhất là trong thời điểm trước mắt. “Về cơ bản, họ sẽ đồng ý là đang có bất đồng”, ông Mikovic nói với Zing. “Có lẽ là một thỏa thuận sẽ được ký trong tương lai nhưng chưa phải bây giờ”.
Giữa tháng 12/2021, Nga đưa ra 8 điều kiện để xuống thang căng thẳng, bao gồm việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) cấm Ukraine gia nhập, cũng như không tổ chức tập trận ở Ukraine nếu không có sự chấp thuận từ phía Nga…
Tuy nhiên, một số điều kiện trong đó đã bị NATO từ chối thẳng thừng từ trước. Chẳng hạn, trong buổi họp báo chung ngày 16/12/2021 với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định “Ukraine có quyền tự lựa chọn thỏa thuận an ninh”.
“Quyết định Ukraine có thể gia nhập NATO hay không sẽ chỉ do Ukraine và 30 nước thành viên NATO đưa ra”, ông Stoltenberg nói.
Và kể cả khi NATO đảm bảo rằng sẽ không cho Ukraine gia nhập, điều này cũng không làm thay đổi tình hình thực tế, theo ông Mikovic.
“Các huấn luyện viên quân sự từ NATO đã xuất hiện ở Ukraine để đào tạo quân đội nước này. Ukraine không cần là thành viên chính thức để có thể mời lực lượng NATO tới giúp thiết lập quyền kiểm soát đối với vùng Donbass”, ông Mikovic nói.
Tổng thống Volodymyr Zelensky thăm binh sĩ tại vùng Donetsk ở miền Đông Ukraine vào tháng 12/2021. Ảnh: Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraine. |
Nhiều chuyên gia cũng nhận định phương Tây rất ít khả năng chấp nhận điều kiện do Nga đưa ra.
“Các yêu cầu từ Moscow dường như sẽ làm quá trình đàm phán khó khăn hơn”, ông Matthew Rojansky, Giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson tại Washington (Mỹ), nói, theo Moscow Times.
“Điện Kremlin không thể thực sự mong chờ Nga có được cam kết mang tính ràng buộc pháp lý từ NATO. Mục đích có thể không phải vậy”, ông Rojansky nói. “Có thể điều này là để các cuộc thương lượng diễn ra dưới cái bóng của một mối đe dọa quân sự rình rập Ukraine và rộng ra là cả châu Âu”.
Đồng tình, Andrei Kortunov, Chủ tịch Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế - viện chính sách được thành lập theo lệnh cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, cho biết Điện Kremlin nhiều khả năng không hy vọng phương Tây chấp thuận yêu cầu của mình.
“Đây là một vị thế mặc cả, Điện Kremlin đang cố đạt được sự chấp thuận ở một mức nào đó. Đương nhiên, việc đưa ra yêu cầu như vậy cũng có rủi ro, đặc biệt là nếu phương Tây có thái độ cứng rắn”, ông Kortunov nói. “Nhưng rõ ràng Điện Kremlin cho rằng rủi ro này chấp nhận được trong hoàn cảnh hiện tại”.
Xung đột liệu có xảy ra?
Tuy căng thẳng đang được đẩy lên cao, hầu hết chuyên gia nhận định Nga nhiều khả năng sẽ không tấn công Ukraine vì tổn thất quá cao.
Trong bài viết ngày 7/12/2021, tiến sĩ Stefan Meister thuộc viện chính sách Hội đồng Đức về Quan hệ Đối ngoại (DGAP) chỉ ra rằng Ukraine có diện tích khổng lồ nên việc kiểm soát lãnh thổ sẽ không thể diễn ra trong thời gian vài ngày. Ngoài ra, quân đội Ukraine lúc này được trang bị và đào tạo tốt hơn năm 2014.
“Tổn thất sinh mạng sẽ rất lớn, trong khi các đòn trừng phạt của phương Tây sẽ rất nặng nề. Tất cả điều này sẽ không được hoan nghênh trong xã hội Nga”, ông Meister nói.
Phương tiện quân sự của Nga trong đợt diễn tập vào tháng 12/2021 tại vùng Rostov, gần biên giới chung với miền Đông Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Mỹ và đồng minh phương Tây từng cảnh báo nhiều đòn trừng phạt mới với mục tiêu có thể là dự án đường ống dẫn khí đốt nối từ Nga sang Đức, hoặc loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT do Mỹ thống trị.
“Vì thế, mục đích trước mắt của ông Putin là có được cuộc gặp với ông Biden, có được đảm bảo rằng NATO sẽ không mở rộng và phương Tây cần dừng các hoạt động trong khu vực mà Điện Kremlin coi là ‘vùng ảnh hưởng’ của mình tại châu Âu”, tiến sĩ Meister nói.
Steven Pifer - viện sĩ cấp cao từ Trung tâm Mỹ và châu Âu, thuộc Viện Brooking (Mỹ) - cũng nhấn mạnh sức mạnh quân sự được tăng cường của Ukraine.
Ông Pifer còn chỉ ra rằng trong cuộc gặp trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, Tổng thống Biden đã nói rõ nếu Nga can thiệp quân sự, phương Tây sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho Ukraine dưới dạng trang bị và vũ khí.
Đồng thời, nếu giao tranh xảy ra, các nước đồng minh ở Ba Lan, vùng Baltic, ở Đông và Trung Âu sẽ rất lo ngại và muốn NATO tăng cường hiện diện trên lãnh thổ. Nhà Trắng từng thể hiện Mỹ sẵn sàng xem xét những yêu cầu ấy theo hướng có lợi, trong khi đây là điều Nga không muốn thấy, theo ông Pifer.
Trả lời Zing, ông Mikovic đưa ra nhận định bi quan hơn.
“Liệu cuộc chiến có nổ ra trong năm nay, năm kia hay 5 năm nữa? Không ai có thể nói chắc nhưng cuộc chiến thực sự là điều sẽ đến trong tương lai dài hạn”, ông Mikovic nói. Nguyên nhân là bản chất của xung đột này cho thấy nó chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực, theo ông Mikovic.
Binh sĩ Ukraine mang theo hệ thống tên lửa Javelin chống tăng do Mỹ cung cấp trong một buổi diễu binh tại Kyiv vào năm 2018. Ảnh: AFP. |
Ông Mikovic còn cho rằng thời gian không có lợi cho Nga. Nga và Mỹ có thể dành thời gian đàm phán nhưng trong lúc đó, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
“Tới cuối cùng, Ukraine sẽ thật sự có thể dùng sức mạnh quân sự để giải quyết xung đột ở Donbass. Khi ấy, nếu can thiệp, Nga sẽ phải đối đầu với lực lượng vũ trang được trang bị và huấn luyện đầy đủ của Ukraine”, ông Mikovic nói.
“Phương Tây nhận thức khá rõ là thời gian không đứng về phía Nga nên họ muốn các cuộc đàm phán được kéo càng dài càng tốt”, ông nói.
Không có con đường dễ dàng
Dù vậy, ông Mikovic dự đoán từ sau khi kết thúc những cuộc gặp dự kiến vào đầu tháng 1 cho tới khi Nga và phương Tây đạt thỏa thuận nào đó, Moscow sẽ không có hành động, trừ khi Ukraine phát động đợt tiến công lớn vào Donbass.
“Nga sẽ tiếp tục đưa ra các lời đe dọa đối với phương Tây, tiếp tục triển khai quân đội hoặc thỉnh thoảng rút quân về để thể hiện thiện chí”, ông Mikovic nói.
Ông Mikovic cho rằng Nga không có lựa chọn dễ dàng về vấn đề Ukraine và sẽ phải nhượng bộ phần nào trước phương Tây.
“Phương Tây phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng chừng nào các tỷ phú quyền lực của Nga giữ tài sản ở ngân hàng phương Tây, Moscow gần như sẽ không thể chiếm ưu thế”, ông Mikovic nhận định.
Tổng thống Putin trao đổi với Tổng thống Biden qua hình thức trực tuyến vào ngày 7/12/2021. Ảnh: AP. |
Dù vậy, khủng hoảng ở Ukraine kéo dài cũng không thuận lợi đối với phương Tây, đặc biệt là Tổng thống Biden và chương trình nghị sự của ông.
Trong bài bình luận ngày 27/12/2021 trên Nikkei Asia, nhà bình luận Hiroyuki Akita nhận định viễn cảnh trên sẽ khiến Mỹ khó có thể di chuyển lực lượng từ châu Âu về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - khu vực được chính quyền Biden liên tục nhấn mạnh trong chính sách đối ngoại.
Theo ông Akita, các nguồn tin nội bộ ở Washington cho biết việc xoay trục sang châu Á đang tạm dừng. Điều này một phần là do các cuộc trao đổi về việc binh sĩ Mỹ đóng quân tại Nhật chưa ngã ngũ, nhưng căng thẳng leo thang tại Ukraine và Iran cũng là một yếu tố cản trở.
Kết luận, ông Akita đề xuất một chiến lược là Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt đối với Nga trong khi vẫn trao đổi nếu ông Putin muốn.
“Lựa chọn tốt nhất là đối mặt với con gấu lớn (ý chỉ Nga - PV) để ngăn nó trở nên bạo lực, nhưng đồng thời tập trung ứng phó các hành vi cứng rắn của Trung Quốc”, ông Akita viết.