Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chiến lược của Nga trong cuộc chiến thông tin với phương Tây

Phương Tây thống nhất trong việc phản đối mối đe dọa từ Nga, nhưng chiến lược nhắm vào lòng tin của Moscow trên mặt trận thông tin khiến dư luận các nước trở thành mắt xích yếu.

Chien luoc cua Nga trong cuoc chien thong tin anh 1

Cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra trong thời kỳ mà các thuyết âm mưu xuất hiện đầy rẫy trên khắp thế giới, và Nga luôn được phương Tây xem là một "cao thủ" trong chiêu sử dụng tin giả, dù Điện Kremlin liên tục phủ nhận điều này. Mỹ từng cho biết Moscow có ý định dàn dựng một video giả, nhằm cáo buộc Ukraine tấn công người nói tiếng Nga, tạo cớ phát động chiến tranh.

Dù phương Tây quyết tâm đối đầu với Nga hơn trong cuộc chiến thông tin, nhiều năm qua, đây là trò chơi mà từ lâu Điện Kremlin thường ở thế cửa trên.

Chính phủ Nga là chuyên gia về “chiến tranh hỗn hợp” - nơi mà thông tin và ý kiến ​​đều là một phần của trận chiến. Và Tổng thống Nga Vladimir Putin là một cựu điệp viên. Chiến lược của ông có thể không phải là thuyết phục thế giới đứng về phía Nga, mà thay vào đó, làm suy giảm lòng tin vào Nhà Trắng.

Các nhà lãnh đạo phương Tây, những người đang nỗ lực để chứng tỏ họ đoàn kết, cũng hiểu rằng dư luận quan trọng. Thế nhưng, một số báo cáo đang cho thấy mức độ tin tưởng của dư luận phương Tây với giới lãnh đạo đang giảm sút hơn bao giờ hết, theo Financial Times.

Chien luoc cua Nga trong cuoc chien thong tin anh 2

Cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra trong thời kỳ mà các thuyết âm mưu xuất hiện đầy rẫy. Ảnh: AP.

Ai được kể "câu chuyện Ukraine"?

Chiến tranh thông tin từ lâu đã được Nga sử dụng hiệu quả. Kể từ năm 2014, khi lực lượng ly khai thân Nga nổi dậy ở miền Đông Ukraine, thông tin sai lệch chống lại chính phủ Ukraine đã xuất hiện và ngày càng nhiều hơn, CNN nhận định.

Các chính phủ phương Tây cũng nhận thức sâu sắc rằng trong quá khứ, họ thường đối mặt với khởi đầu khó khăn bởi chiến tranh thông tin của Nga, đặc biệt là trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Đó là một phần lý do tại sao giờ đây, Nhà Trắng không chỉ trình các báo cáo tình báo cho tổng thống Mỹ mà còn công khai cho toàn thế giới biết về vấn đề Ukraine.

Hôm 11/2, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã lên bục phát biểu ở Nhà Trắng để nói với thế giới về việc xây dựng quân đội Nga ở Ukraine và cảnh báo về một cuộc tấn công có thể xảy ra.

Mục tiêu không chỉ đơn giản là giúp người Mỹ có thời gian rời khỏi Ukraine. Đó là một nỗ lực của Mỹ nhằm giành quyền kiểm soát câu chuyện, trước khi Nga làm điều đó.

Việc phương Tây thường xuyên gợi ý rằng Nga đang lên kế hoạch cho hoạt động "cờ giả", tạo cớ phát động chiến tranh, là yếu tố quyết định đối với trận chiến này.

Nhưng Moscow cũng không ngồi yên. Từ tháng 11/2021, Nga đẩy mạnh tuyên truyền rằng Ukraine là quốc gia thất bại, chính giới Ukraine là phát xít mới, còn NATO và Mỹ phải chịu trách nhiệm cho nguy cơ chiến tranh nổ ra.

Cuối tháng 12/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cáo buộc Mỹ đưa lính đánh thuê vào Ukraine để đào tạo biệt kích, chuẩn bị có hành vi thù địch ở miền Đông.

"Đáng nói là kể từ tháng 12/2021, Nga đã đẩy mạnh lan truyền cáo buộc chiến tranh có thể nổ ra do âm mưu làm giả bằng chứng từ phía Ukraine", Bret Schafer, chuyên gia tổ chức nghiên cứu an ninh châu Âu Alliance for Securing Democracy, nói.

Nhận thức được khả năng của Nga trên mặt trận thông tin, kể năm 2014, Ukraine đã tắt các kênh nhà nước của Moscow, nói rằng họ đã lan truyền thông tin sai lệch nhằm mục đích gây bất hòa. Năm 2021, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gia hạn lệnh cấm các trang web của Nga, bao gồm cả mạng xã hội Vkontakte.

Chien luoc cua Nga trong cuoc chien thong tin anh 3

Xe tăng Nga tham gia cuộc tập trận hôm 14/2. Ảnh: Reuters.

Khi căng thẳng tiếp tục leo thang, cuộc chiến thông tin giữa Moscow và phương Tây ngày càng phức tạp để cố gắng đảm bảo các mục tiêu của họ mà không cần nổ súng. Mỗi bên đều đang cố gắng thuyết phục đối phương rằng cái giá phải trả của xung đột là quá đắt, nhưng vẫn giữ thông tin về chiến lược của mình “một cách mơ hồ” có chủ ý.

Chính quyền Biden, bằng cách tuyên bố một cuộc tấn công của Nga có thể xảy ra, thậm chí đóng cửa đại sứ quán ở Kyiv, dường như đang truyền thông điệp cho thấy Moscow không thể mong đợi sự nhượng bộ từ Mỹ.

Ngược lại, Nga liên tục phủ nhận khả năng xảy ra cuộc tấn công, rút ​​bớt một số lực lượng ở biên giới Ukraine trong khi tiếp tục các “trò chơi quân sự” gần đó và cáo buộc Kyiv diệt chủng dân tộc thiểu số Russophone.

Bằng cách “giả vờ” giảm leo thang căng thẳng và tăng nguy cơ xâm lược cùng lúc, Moscow muốn khiến phương Tây bối rối và bị cuốn vào kế hoạch của Nga.

New York Times nhận định ông Putin đang tìm cách đặt mình ở thế đã sẵn sàng cho chiến tranh trước phương Tây, đồng thời thuyết phục người dân rằng ông đang bị lôi kéo vào cuộc chiến, trước những tuyên bố sai trái về sự xâm lược của Mỹ và Ukraine.

Chiến lược "Nhà Trắng cũng đang nói dối"

Một số chính phủ phương Tây có thể tự mãn cho rằng chiến thắng trong cuộc chiến tranh tuyên truyền với Điện Kremlin không khó.

Họ cho rằng độ tin cậy của ông Putin đã giảm sút sau một loạt sự kiện nước này bị cáo buộc có liên quan, như sáp nhập Crimea vào năm 2014, cử sát thủ giết một cựu điệp viên Nga ở Salisbury, Anh, hay đưa những kẻ ám sát lên truyền hình để tuyên bố rằng họ đã đến thành phố chỉ vì muốn tham quan một nhà thờ nổi tiếng.

Tuy nhiên dường như phương Tây đã quên Moscow là “bậc thầy" về chiến tranh thông tin. Và thành công đối với người Nga không nhất thiết là phải thuyết phục được các cử tri phương Tây rằng Điện Kremlin đang nói sự thật. Thay vào đó, nó có thể hữu ích với việc chỉ đơn giản ám chỉ rằng Nhà Trắng cũng đang "nói dối".

Chien luoc cua Nga trong cuoc chien thong tin anh 4

Mức độ tin tưởng của dư luận phương Tây với giới lãnh đạo đang giảm sút. Ảnh: Zuma Press.

Không giống như cuộc chiến Iraq năm 2003, khi Pháp và Đức thậm chí đã chia sẻ cùng quan điểm với ông Putin để bày tỏ sự phản đối, các chính phủ phương Tây dường như nhất trí về những gì đang diễn ra tại Ukraine. Khoảng thời gian này, họ đều thống nhất trong việc phản đối các mối đe dọa từ Nga. Khác biệt duy nhất giữa Washington, Berlin, Paris và London chỉ là chiến lược ngoại giao.

Nhưng dư luận phương Tây là một mắt xích yếu.

Vào tháng 1, Edelman Trust Barometer ghi nhận về “sự sụp đổ niềm tin vào các nền dân chủ phát triển”, với chỉ có 46% người Đức, 44% người Anh và 43% người Mỹ tin tưởng vào chính phủ của họ.

Cuộc đấu tranh về Ukraine đang diễn ra trong khi các đường phố ở Ottawa, thủ đô của Canada, chật cứng những người chống vaccine, thúc đẩy phong trào tương tự ở khắp châu Âu. Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với thuyết âm mưu về các giao dịch kinh doanh trong quá khứ của con trai ông với Ukraine.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy 26% người Mỹ đồng ý rằng “ông Joe Biden là một tổng thống bù nhìn” do một chính quyền ngầm kiểm soát. Trong khi đó, 31% người Mỹ, 28% người Pháp và 23% người Đức nghĩ rằng chắc chắn hoặc có thể đúng là có một “nhóm người duy nhất bí mật kiểm soát các sự kiện và cùng nhau điều hành thế giới”.

Kiểu hoài nghi cực đoan, phi lý này có thể cản trở nỗ lực đạt sự đồng thuận trong việc xây dựng một chính sách phản ứng thống nhất từ xã hội phương Tây.

Các chiến thuật này minh họa cách Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể duy trì sức ép lên phương Tây mà cần không leo thang căng thẳng thành một cuộc tấn công dẫn đến những lệnh trừng phạt.

Hai lựa chọn khó khăn cho ông Putin

Khi khủng hoảng Ukraine ngày càng leo thang, Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối diện với hai lựa chọn đầy khó khăn.

Nga leo thang, xuống thang, rồi lại leo thang căng thẳng

Trong vài giờ ngắn ngủi, dấu hiệu hạ nhiệt nhen nhóm khi Moscow tuyên bố rút một phần quân khỏi biên giới Ukraine, rồi diễn biến khó lường khi Hạ viện Nga công nhận Donbas độc lập.

Minh An

Bạn có thể quan tâm